Ghi nhận cho thấy, chiều dài đoạn bờ bãi sông Hồng xảy ra sạt lở khoảng 600m nhưng không liên tục. Dọc tuyến xuất hiện các cung trượt. Phần tiếp giáp bờ sông, xác định có nhiều khe nứt trên mặt ruộng với bề rộng từ 5 - 10cm. Khu vực sạt lở có điểm gần nhất cách khu dân cư sinh sống tập trung khoảng 500m.
Theo Chủ tịch UBND xã Văn Đức Nguyễn Văn Điệu, đoạn bờ sông trên đã có diễn biến sạt lở từ tháng 3/2020. Chiều dài cung sạt ghi nhận thời điểm đó vào khoảng 200m. Đoạn sạt lở ăn sâu vào bãi từ 1,5 - 2m. Sau khi ghi nhận sự cố, UBND huyện Gia Lâm đã đề xuất các sở ngành có kế hoạch xây dựng kè chống sạt lở; tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có phương án nào được các đơn vị chức năng tính đến.
Trong tháng 10/2021 vừa qua, sau những ngày mưa kéo dài, bờ sông tại khu vực tiếp tục có diễn biến sạt lở phức tạp, ăn sâu vào bờ bãi. Chiều dài đoạn sạt lở cũng tăng thêm. Đáng lo ngại, các cung trượt, sạt có xu hướng mở rộng trong trường hợp có mưa lớn. Điều này có thể cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp và gây thiệt hại về cây trồng của bà con nông dân thôn Sơn Hô.
Đại diện UBND xã Văn Đức cho biết thêm, hiện, địa phương vẫn duy trì thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; tổ chức cắm biển cảnh báo để ngăn không cho người dân qua lại khu vực sạt lở. Đồng thời, bố trí lực lượng theo dõi thường xuyên diễn biến sạt lở để kịp thời báo cáo, xử lý giờ đầu…
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, vừa qua đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ thuộc các sở ngành đi khảo sát thực tế diễn biến sạt lở bờ bãi sông Hồng đoạn qua thôn Sơn Hô. Đánh giá cho thấy, sự cố là khá nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Duy Du, hiện nay đơn vị đang phối hợp các cơ quan chuyên môn mở rộng phạm vi khảo sát, đánh giá nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở. Trên cơ sở đó, sẽ thống nhất cùng các đơn vị chức năng tham mưu Sở NN&PTNT và các sở ngành đề xuất UBND TP phương án xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn phòng, chống lũ và tư liệu sản xuất của người dân địa phương.