Hà Nội sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội: Đa dạng cách làm, hạn chế đứt gãy nguồn cung hàng hóa

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Người dân Hà Nội đang sống trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Do dịch nên một số chợ truyền thống, siêu thị đã phải tạm dừng hoạt động. Để khắc phục khó khăn này các chuyên gia bán lẻ cho rằng thời gian tới cần khơi thông nguồn hàng, hệ thống phân phối tránh đứt gãy nguồn cung.

Hàng hóa đảm bảo không thiếu
Tại hệ thống siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội sau 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội một số chợ đầu mối như Long Biên, Minh Khai, chợ Đầu mối phía Nam và một số siêu thị, cửa hàng tự chọn đã tạm dừng hoạt động nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội không tăng giá đột biến.
Cụ thể thịt thăn lợn, sườn thăn, thịt mông lợn giá từ 120.000-150.000 đồng/kg, các mặt hàng thủy, hải sản như cá chép giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, cá trắm 65.000 – 70.000 đồng/kg. Giá các loại thịt gia cầm cũng không tăng so với ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, hiện gà ta giữ ở mức 140.000-150.000 đồng/kg, cánh và đùi gà công nghiệp 80.000-85.000 đồng/kg, lườn 60.000 đồng/kg. Các siêu thị Big C, Vinmart, Hapro Mart liên tục bổ sung hàng hóa, nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống, hải sản, rau xanh với giá cả ổn định.
 Người tiêu dùng mua thực phẩm trong thời gian giãn cách tại Big C Thăng Long
Phân tích nguyên nhân khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bình ổn, các doanh nghiệp bán lẻ có chung ý kiến, đơn vị đã tích cực dự trữ, không để xẩy ra tình trạng thiếu hàng. Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong thông tin, Big C dự trữ tăng 30-50% số lượng hàng hóa so với ngày thường, một số mặt hàng có nhu cầu cao, thực phẩm tươi sống lên đến 100%... Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail (doanh nghiệp quản lý khai thác hệ thống siêu thị Hapro, Fuji Mart) Nguyễn Thái Dũng cho biết, doanh nghiệp đã tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm.

"Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc là 5359,05 tỷ đồng." - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Từ nay đến ngày 23/8 Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội nên việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân là yêu cầu bức thiết. Thực tế cho thấy, các siêu thị đã xây dựng phương án đa dạng nguồn hàng, tránh tình trạng “đứt gẫy” nguồn cung. Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng cho biết, Công ty thực phẩm Thanh Nga là đơn vị cung ứng thực phẩm tươi sống cho nhiều siêu thị, nhưng sau khi doanh nghiệp này phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19, dừng hoạt động nên các siêu thị đã đề nghị các nhà cung cấp quy mô lớn như: Công ty TNHH thực phẩm Minh Hằng, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam… tăng lượng thực phẩm cung ứng cho các siêu thị với giá không đổi.
Ngành Công Thương Hà Nội cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng. Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm… 
 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại điểm bán hàng lưu động phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân)

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, TP Hà Nội đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong việc cung ứng hàng hóa. “ Ngoài 21 tỉnh, thành khu vực phía Bắc đang cung cấp cho thị trường Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và những tỉnh chưa có dịch qua đó sẵn sàng nguồn cung cho Hà Nội”- bà Lan nói.

Linh hoạt trạm trung chuyển kho hàng dự trữ

Mặc dù doanh nghiệp, ngành Công Thương Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong việc dự trữ hàng hóa, nhưng Covid-19 đã khiến 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi dừng hoạt động dẫn có nơi bị thiếu hàng “giả tạo”, mua bán bị đứt đoạn. Để đảm bảo lưu thông hàng hóa, các chuyên gia bán lẻ kiến nghị ngành Công Thương Hà Nội nên linh hoạt trạm trung chuyển, kho hàng dự trữ.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nêu rõ, việc dự trữ hàng tại các chợ đầu mối hay kho hàng ở các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tạo sự ổn định tâm lý mua bán của người dân, giá cả ổn định, tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng mua vét hàng hóa để đẩy giá lên cao. “Hà Nội cần kích hoạt ngay kịch bản lập chợ đầu mối tạm, chợ dã chiến hay kho trữ hàng dã chiến tại các khu đất trống tại các quận, huyện như Long Biên, Gia Lâm... Việc làm này tạo điều kiện cho tiểu thương có địa điểm tập kết, luân chuyển hàng, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng”-bà Hậu đề xuất.

 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại điểm bán hàng lưu động tại phường Phúc Xá ( quận Ba ĐÌnh)

Thực tế cho thấy, để không “đứt gãy” lưu thông hàng hóa, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 8.649 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Đặc biệt, một số quận huyện, doanh nghiệp đã tăng cường mở thêm các điểm bán như hệ thống VinShop đã đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên toàn thành phố. Đặc biệt quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa…đã tổ chức điểm bán hàng lưu động. Đồng thời Sở Công Thương Hà Nội sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.

"Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi quy trình, chúng tôi chú trọng hơn đầu tư kho cũng như phương tiện vận chuyển, để chủ động cung ứng hàng hóa. Bên cạnh đó, khai thác, tìm kiếm nguồn cung hàng hóa, chúng tôi chú trọng hơn nguồn cung tại địa phương, ví dụ, Hà Nội có những vùng sản xuất như: Đông Anh, Mê Linh, chúng tôi đã kết nối, hợp đồng từ trước. Chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát dịch, đảm bảo an toàn hệ thống siêu thị." - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng

Để thuận tiện cho việc tập kết hàng hoá thiết yếu Sở Công Thương đang tìm các nơi đất trống, bến xe đang dừng hoạt động, sân vận động hay các chợ chưa hoạt động hết công suất... tại các cửa ngõ ra vào Hà Nội, để làm nơi trung chuyển hàng hoá, giãn cách cho các chợ đầu mối đang tạm đóng; hoặc chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung. 
Dự kiến bến xe Hà Đông; Cụm công nghiệp Nam Hà Nội; Khu tái định cư tại Tiên Dược, Sóc Sơn; Khu triển lãm tại 489 Hoàng Quốc Việt và 1 điểm ở Gia Lâm... để trung chuyển hàng hóa, hạn chế vào các chợ đầu mối sâu trong nội thành. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT khảo sát, tổ chức sử dụng bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), sân vận động huyện Thanh Trì, sân vận động huyện Hoài Đức và một số vị trí khác tại huyện Gia Lâm để làm điểm trung chuyển nông sản, hàng hoá thiết yếu.