Hà Nội sẽ ban hành mới 1 loại lệ phí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội trình HĐND TP Hà Nội quyết định 33/39 loại phí và lệ phí đang thực hiện và trình HĐND quyết định ban hành mới 1 loại lệ phí theo đúng thẩm quyền tại Thông tư số 02/2014/TT-BTC (6 loại phí, lệ phí còn lại sẽ được trình HĐND vào kỳ họp cuối năm).

Sau khi nhất trí thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, các đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XIV một lần nữa hoàn toàn thống nhất (82/82 đại biểu có mặt tại hội trường, đạt tỷ lệ 86,3%) thông qua Nghị quyết về việc ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn Thành phố thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP Hà Nội.
Tại kỳ họp này, UBND TP Hà Nội trình HĐND TP Hà Nội quyết định 33/39 loại phí và lệ phí đang thực hiện và trình HĐND quyết định ban hành mới 1 loại lệ phí theo đúng thẩm quyền tại Thông tư số 02/2014/TT-BTC (6 loại phí, lệ phí còn lại sẽ được trình HĐND vào kỳ họp cuối năm).

Đặc biệt, loại lệ phí được ban hành mới là Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận ĐKKD.

Các tổ chức cá nhân đề nghị cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh HTX, liên hiệp HTX phải nộp lệ phí cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh, không thu lệ phí cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh cho các cơ quan nhà nước đề nghị cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đơn vị thu lệ phí nộp 100% số thu vào NSNN.
 Cơ quan thu lệ phí, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội (đối với Liên hiệp hợp tác xã); Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với Hợp tác xã).
Mức thu
Mức thu Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Theo báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế và Ngân sách (KTNS) đồng tình các nguyên tắc xây dựng mức thu, tỷ lệ để lại cơ quan thu và cơ bản thống nhất với nội dung trình của UBND. Cụ thể, thống nhất giữ nguyên mức thu đối với 8 loại phí, lệ phí đang thực hiện phù hợp trên địa bàn, gồm: Lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe); Lệ phí cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký kèm biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực; Lệ phí đăng ký giao dịch đảm bảo; Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm; Phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô; Phí đấu giá, phí tham gia đấu giá tài sản; Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; Phí vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân (mới được HĐND thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014).

 Thống nhất 2 loại lệ phí với mức thu đang thực hiện đã là mức tối đa quy định tại Thông tư số 02/2014/TT-BTC gồm: Lệ phí cấp giấy phép hoạt động điện lực, Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. 

Thống nhất phương thức quản lý sử dụng tiền phí, lệ phí thu được và chưa tăng mức thu đối với 10 loại phí, lệ phí do thực tế phát sinh ít, số thu thấp và chủ yếu phục vụ công tác quản lý nhà nước, cần khuyến khích thực hiện, vẫn đang phù hợp thực tế, gồm: Lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; Lệ phí cấp giấy phép thăm dò khai thác, sử dụng nước dưới đất; Lệ phí cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Phí thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất; Phí thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất; Phí thẩm định cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính; Phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất, khai thác, sử dụng nước mặt; xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi; Phí thư viện. 

Thống nhất 2 loại phí và lệ phí không thay đổi mức thu, chỉ điều chỉnh nội dung thu, tên phí (do Thông tư 02/2014 quy định bổ sung), thẩm quyền quy định mức thu tại từng địa điểm cụ thể. Thống nhất điều chỉnh 8 loại phí và lệ phí về mức thu, thẩm quyền quy định mức thu và tỷ lệ để lại theo mức thu tối đa quy định tại Thông tư 02/2014/TT-BTC. 

Đối với phí chợ, ban KTNS cơ bản thống nhất và đề nghị điều chỉnh một số nội dung sau: UBND trình ban hành khung mức thu áp dụng một số nội dung thu cụ thể. Song tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2014/TT-BTC quy định HĐND cấp tỉnh ban hành mức thu cụ thể hoặc mức thu tối đa, UBND quyết định mức thu cụ thể đối với từng chợ. Ban thống nhất mức thu tối đa như UBND trình và đề nghị HĐND quyết định mức thu tối đa làm cơ sở để UBND quyết định mức thu cụ thể (không quyết định mức thu tối thiểu như UBND trình). Đề nghị điều chỉnh tên nội dung thu tại mục II, III của Biểu mức thu phí cho phù hợp với tính chất khoản thu phí, cụ thể: Phí sử dụng diện tích đối với xe ô tô vào chợ kinh doanh (theo ngày), Phí vào chợ kinh doanh (theo ngày). Thống nhất bãi bỏ 1 loại lệ phí do thực hiện theo quy định của Trung ương (Lệ phí cấp chứng minh nhân dân) và bãi bỏ 1 loại phí do phát sinh thu (Phí qua cầu). Ban đề nghị UBND báo cáo danh mục cầu do địa phương quản lý và lý do không thực hiện thu phí cầu đối với cầu do địa phương quản lý để HĐND có thêm thông tin thảo luận, quyết định. 

Thống nhất ban hành mới 1 loại lệ phí với tên gọi, mức thu, đối tượng thu, phương thức quản lý thu như UBND trình đối với Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.  

Ban KTNS đề nghị UBND TP tổng hợp rà soát những loại phí, lệ phí còn bất cập khi triển khai thực hiện để kiến nghị với cơ quan Trung ương sớm xem xét xử lý; Tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn thu phí, lệ phí để lại cho các đơn vị thu đảm bảo sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; Tiếp tục xây dựng đủ các loại phí, lệ phí theo quy định và rà soát, điều chỉnh những loại phí, lệ phí đang bất hợp lý, những loại phí, lệ phí thay đổi do chính sách của các Bộ, ngành Trung ương, kịp thời trình HĐND TP quyết định theo thẩm quyền.

Đồng thời, Ban KTNS đề nghị UBND TP báo cáo một số nội dung như: Lý do chưa xây dựng Đề án trình HĐND TP quyết định thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn (những vướng mắc cụ thể); Căn cứ đề xuất tạm thời miễn thu đối với hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng (không kinh doanh) ở những nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch. Vì theo Nghị định số 25/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, không quy định miễn thu phí với đối tượng này. Qua giám sát của Ban, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô ở một số địa phương còn nhiều lúng túng, vướng mắc, kết quả thu thấp, cá biệt có nơi chưa triển khai, đề nghị UBND báo cáo rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục. 

Ban KTNS cũng đề nghị UBND TP quan tâm tổng hợp, rà soát những loại phí, lệ phí còn bất cập khi triển khai thực hiện để kiến nghị với cơ quan Trung ương sớm xem xét xử lý; tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn thu phí, lệ phí để lại cho các đơn vị thu đảm bảo sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; Tiếp tục xây dựng đủ các loại phí, lệ phí theo quy định và rà soát điều chỉnh những loại phí, lệ phí đang bất hợp lý, những loại phí, lệ phí thay đổi do chính sách các bộ, ngành Trung ương, kịp thời trình HĐND TP quyết định theo thẩm quyền.

Thay mặt đại diện chủ tọa HĐND TP Hà Nội Nguyễn Văn Nam cho biết: Riêng nội dung về phí chợ, UBND TP đã cơ bản tiếp thu các ý kiến, đề nghị điều chỉnh một số nội dung được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ban NSKT.