Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Sẽ công khai tên tuổi người vi phạm quy định đeo khẩu trang nơi công cộng

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedithi - Ngày 3/2/2021, tại trụ sở UBND TP, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp phiên thứ 85 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Hà Nội có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới ngoài cộng đồng
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội, từ ngày 1/2/2021 đến 14h00 ngày 3/2/2021 ghi nhận thêm 2 ca mắc mới ngoài cộng đồng. Lũy tích giai đoạn 4 (từ ngày 27/1/2021 đến nay), ghi nhận 21 ca mắc tại cộng đồng: Nam Từ Liêm (10); Đông Anh (4); Cầu Giấy (3); Mê Linh (2); Hai Bà Trưng (2).
 Quang cảnh phiên họp
Ban Chỉ đạo nhận định, hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong không ngừng tăng lên. Tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca mắc tại Hải Dương và Quảng Ninh, từ các ổ dịch này đã lan ra 8 tỉnh, TP khác trong đó có Hà Nội (như vậy trong đợt này, đến nay là 10 tỉnh thành đã có dịch ngoài cộng đồng).
Tại Hà Nội đã xuất hiện các trường hợp mắc ngoài cộng đồng, các ca này đều xác định được nguồn lây và có nguồn gốc liên quan tới hai ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh. Chủng vi rút lần này là chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, thời gian khởi phát bệnh ngắn, chu kỳ lây cũng rút ngắn từ 3-4 ngày. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 nhiều hơn và có trường hợp F2 chuyển thành F0.
Các trường hợp mắc trong cộng đồng tại Hà Nội thời gian qua có lịch trình đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là ca mắc số 1883 gần đây nên nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người tiếp xúc tại nhiều địa phương. Vì vậy theo nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới ngoài cộng đồng trên địa bàn TP.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo yêu cầu tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch, thực hiện tốt thông điệp 5K. Hạn chế tối đa việc trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội.
Các quận huyện thị xã cần chỉ đạo các lực lượng tại địa phương tiến hành đi từng ngõ, ngõ từng nhà, rà soát toàn bộ những người đi về từ vùng có dịch, những người liên quan đến các ca bệnh (F1, F2, F3) và những trường hợp nhập cảnh trái phép để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định.

Quận Hoàn Kiếm đã xử phạt 29 trường hợp không đeo khẩu trang

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong đề xuất, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, quận Hoàn Kiếm đề xuất TP cho dừng hoạt động phố đi bộ từ tuần này, bắt đầu từ 5/2. Phố đi bộ sẽ hoạt động trở lại khi có thông báo chính thức của TP.

Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết biết thêm, cơ quan chức năng đã tổ chức đoàn xe tuyên truyền ở phố đi bộ, chợ hoa để nâng mức cảnh giác cao độ cho người dân trong công tác phòng dịch. In ấn các tờ rơi, pano để tuyên truyền cho người dân liên quan đến xử phạt người không đeo khẩu trang. Từ chiều 2/2 đến nay, quận Hoàn Kiếm đã xử phạt 29 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 53 triệu đồng.

Quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị, nếu vào đêm giao thừa vẫn bắn pháo hoa ở khu vực hồ Gươm thì đơn vị đề xuất cho tổ chức khoanh vùng, cấm toàn bộ không gian để kiểm soát tốt nhất.

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, qua rà soát quận đã quản lý được 666 người về từ Chí Linh (Hải Dương) và Quảng Ninh. Những người này đã được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly. Các đơn vị chức năng thông báo kết quả có 4 trường hợp dương tính, còn lại âm tính và đang được cách ly. Đến thời điểm hiện tại, quận Nam Từ Liêm đã truy vết tất cả các trường hợp liên quan đến các ca bệnh.

Với bệnh nhân N.Q.M. (BN1694) có lịch sử di chuyển phức tạp, lời khai của bệnh nhân cũng quanh co gây nhiều khó khăn cho ngành y tế. Từ trường hợp này, quận đề nghị công an các phường đi cùng ngành y tế để rà soát.

Công khai người vi phạm quy định đeo khẩu trang
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh nguy cơ lây lan trong cộng đồng, yêu cầu các sở ngành, quận huyện đến xã phường phải thực hiện tốt, nghiêm túc hơn nữa quy định về phòng chống dịch. Ghi nhận việc các địa phương đã vào cuộc quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng, Phó chủ tịch yêu cầu phải công khai tên tuổi, đơn vị các trường hợp vi phạm, siết chặt kỷ cương.
 Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp
Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm. Trong đó, từ khi phát hiện F0, tối đa trong 4 tiếng, mẫu xét nghiệm của các trường hợp F1 phải chuyển về CDC. 6 tiếng sau CDC phải trả kết quả cả âm tính và dương tính về cho địa phương. Nếu chậm trả kết quả, các địa phương có thể nhắn tin báo cáo ngay cho BCĐ TP và ngược lại địa phương chậm nộp mẫu xét nghiệm cũng sẽ phải giải trình.
Thời gian tới, TP sẽ mở rộng diện xét nghiệm ở một số vùng có nguy cơ, do vậy, các đơn vị phải chủ động chuẩn bị vật tư; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” chủ động phối hợp với các địa phương khác, đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển người đến khu cách ly…
Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao mức nguy hại của dịch bệnh lần này để người dân chủ động phòng chống; ngay sau khi có kết quả xét nghiệm F0, F1 cần thông tin để các cơ quan truyền thông đăng tải kịp thời để người dân nắm được thông tin; các địa phương phải cập nhật thông tin, báo cáo đầy đủ hàng ngày theo quy định...
Về vấn đề cách ly, phong tỏa, Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ quan điểm của TP về việc thực hiện phong tỏa phải chính xác, toàn, không làm tràn lan mà cần dựa trên cơ sở khoa học và phân tích, không thể “chỉ một ca bệnh trong xã mà phong tỏa cả một huyện”.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP cũng đồng ý với đề xuất của sở GTVT về việc xe buýt Hà Nội phải giảm 50% công suất, mỗi chuyến chỉ được chở không quá 20 khách để đảm bảo khoảng cách phòng dịch.