Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ đầu tư mạnh cho Làng cổ Đường Lâm phát triển du lịch

Tin, ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nội dung được Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định tại buổi làm việc với thị xã Sơn Tây về rà soát, triển khai thực hiện các sản phẩm du lịch trên địa bàn, chiều 4/8.

Lãnh đạo thị xã Sơn Tây cho hay, Sơn Tây thuộc vùng trung du, 3/4 diện tích là đồi, gò nối liền với vùng núi huyện Ba Vì; khu vực từ nội thị đến đê sông Hồng là vùng đồng bằng tương đối màu mỡ. Xen giữ 2 dải địa hình chính ấy có sông, suối, hồ, đập,… rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Cùng với đó, Sơn Tây có hệ thống đường giao thông thuận lợi.

Đặc biệt, thổ nhưỡng có địa tầng đất đỏ Puzơlan, cao lành hoàng thạch ở phường Sơn Lộc, Trung Hưng, xã Thanh Mỹ; đất đá ong ở Thanh Mỹ, Đường Lâm, Cổ Đông,… là những cơ sở phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương. Sơn Tây có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng sản xuất ra những sản phẩm, món ăn tạo thành đặc sản của Sơn Tây – xứ Đoài như: bánh tẻ Phú Nhi, tương làng Mông Phụ, Đông Sàng; kẹo lạc, chè kho làng Cam Thịnh; nghề gốm ở Phú Nhi, nghề đánh đá ong làm vật liệu xây dựng ở các làng thuộc xã Đường Lâm, Sơn Đông, Cổ đông đã tạo nên vật liệu xây dựng độc đáo cho các công trình kiến trúc lịch sử - văn hóa đặc sắc của vùng xứ Đoài.
Cùng với đó, thị xã Sơn Tây có 226 di tích (trong đó có 68 di tích được xếp hạng với 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích xếp hạng cấp tỉnh, TP) và 6 di tích cách mạng kháng chiến và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại buổi làm việc với thị xã Sơn Tây, chiều 4/8.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại buổi làm việc với thị xã Sơn Tây, chiều 4/8.
Theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc TP Hà Nội. Để tiến tới đích đến này, thị xã Sơn Tây đang chọn hướng đi phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa giàu bản sắc, đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ.

Phấn đấu xây dựng thị xã Sơn Tây trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa của TP Hà Nội. Trong đó, chú trọng phát triển đa dạng các loại hình, tour du lịch phù hợp với tiềm năng của thị xã; xây dựng cơ sở hạ tang du lịch đồng bộ, hiện đại theo hướng phát triển xanh và bền vững, xây dựng các công trình khách sạn có quy mô, tiêu chuẩn cao để phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế; xây dựng các resort sinh thái trên địa bàn thị xã tại khu hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô; bảo tồn, tôn tạo di tích Làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây, Văn miếu Đường Lâm.

Năm 2015, lượng khách du lịch đến địa bàn đạt 1,5 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt 38,5 ngàn người, giải quyết việc làm cho 2,5 ngàn lao động trong ngành du lịch.

Để ngành du lịch phát triển hơn nữa, lãnh đạo thị xã Sơn Tây đề nghị Sở Du lịch Hà Nội quan tâm đến phát triển du lịch Sơn Tây, nhất là làng cổ Đường Lâm trong chuỗi du lịch trọng điểm phía tây của Thủ đô Hà Nội, hỗ trợ quảng bá trên website của Sở và TP. Đồng thời, quan tâm kêu gọi các DN kinh doanh du lịch, DN lữ hành xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tại thị xã Sơn Tây; có các đề án hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ những người làm du lịch Sơn Tây.

Thị xã Sơn Tây cũng đề nghị Sở Du lịch Hà Nội quan tâm trình UBND TP phê duyệt, ban hành và thực hiện quy hoạch chi tiết khu công viên, dịch vụ du lịch giải trí Đồng Mô (263,2ha); Ủng hộ chủ trương của thị xã Sơn Tây về việc lập hồ sơ đề nghị công nhận Làng cổ ở Đường Lâm là di tích đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tạo tiền đề cho phát triển du lịch địa phương; quan tâm đẩy nhanh tiến độ lắp đặt biển quảng cáo tấm lớn quảng bá du lịch Thủ đô và thị xã Sơn Tây trên địa bàn; giúp đỡ lắp đặt thêm một số nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm du lịch trọng điểm của thị xã như Thành cổ, đền Và, Làng cổ Đường Lâm…

Kết luận tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Đỗ Đình Hồng khẳng định, Sơn Tây rất giàu tài nguyên, điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, nhưng ngành công nghiệp không khói của thị xã vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng. Chính vì thế, ông yêu cầu thị xã Sơn Tây rà soát toàn bộ các tiềm năng lợi thế của huyện để Sở cùng với huyện sắp xếp các điểm đến thành sản phẩm, tour hoàn chỉnh. Trong đó, đặc biệt chú ý đến sản phẩm du lịch liên quan đến di tích Làng cổ Đường Lâm để giới thiệu tới các doanh nghiệp, du khách và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng. “Hà Nội sẽ đầu tư mạnh cho di tích Làng cổ Đường Lâm để phát triển du lịch”, ông Hồng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Hồng đề nghị thị xã Sơn Tây sớm rà soát và xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và các khu dịch vụ hỗ trợ du lịch như: Khu ẩm thực, khu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dành cho văn hóa cộng đồng, khu bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa, nhà truyền thống (tổ nghề), và khu thương mại giới thiệu sản phẩm địa phương.

Người đứng đầu Sở Du lịch cũng khẳng định sẽ đưa các DN lữ hành, khách sạn, DN kinh doanh dịch vụ du lịch đến hướng dẫn cách làm và đầu tư phát triển du lịch tại thị xã Sơn Tây.  Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ giúp thị xã Sơn Tây đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm du lịch; thiết kế các biển, bảng chỉ dẫn du lịch; giúp Sơn Tây quảng bá du lịch trong nước và quốc tế…

Liên quan đến Làng cổ Đường Lâm, Sở Du lịch sẽ có một buổi làm việc trực tiếp với UBND xã Đường Lâm để bàn cách làm cụ thể như: Phát triển dịch vụ tại làng cổ, đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền, quảng bá… để tạo “bước nhảy” cho du lịch Làng cổ Đường Lâm.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề nghị thị xã Sơn Tây tích cực tham gia các hoạt động và đóng góp cho các hoạt động của ngành du lịch Thủ đô trong thời gian tới như: Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống; Festival Áo dài Hà Nội 2016; chương trình “Ký ức Hà Nội”…