Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ sớm trở thành trung tâm khởi nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.

Với những điều kiện sẵn có cùng với sự quyết tâm cao của chính quyền TP coi phát triển DN là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cộng đồng DN có nhiều cơ sở để kỳ vọng vào mục tiêu này.

Hội tụ những yếu tố quan trọng

Là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức một hội nghị lớn về DN, Hà Nội thể hiện quyết tâm cụ thể hóa Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và những nội dung được đề cập trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng với các DN (ngày 29/4/2016). Đặt trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng hiện nay, kỳ vọng Hà Nội sẽ đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước là hoàn toàn có cơ sở. Căn cứ quan trọng đầu tiên xuất phát từ vai trò của Hà Nội. Nhìn tổng quát, Hà Nội chiếm tỷ trọng cao trong cả nước về nhiều chỉ tiêu chủ yếu.
Hà Nội sẽ sớm trở thành trung tâm khởi nghiệp - Ảnh 1
Quy mô dân số của Hà Nội ước đạt 7,22 triệu người, lớn thứ hai cả nước. Bên cạnh sức ép trong phát triển đô thị đây cũng là nguồn lực về vốn đầu tư, về nhân tài, khoa học công nghệ… GRDP (tổng sản phẩm địa phương) và giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Nội chiếm tỷ trọng cao (đứng thứ hai cả nước), lại có tốc độ tăng cao hơn của cả nước, nên quy mô sẽ tăng, đóng góp lớn vào tốc độ tăng chung. GDP bình quân đầu người cao gấp trên 1,6 lần của cả nước. Mục tiêu 2016 - 2020 của Hà Nội cao hơn của cả nước (tăng trưởng GDP 8,5 - 9%/năm, GRDP bình quân 6.700 - 6.800 USD). Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu nhất của Hà Nội không phải là tăng trưởng kinh tế, mà phải là xã hội, môi trường, là quản lý đô thị... Ngay tăng trưởng kinh tế cũng không phải chủ yếu là công nghiệp, mà chủ yếu phải là dịch vụ. Ngành công nghiệp chủ yếu phải là công nghiệp sạch, công nghiệp có kỹ thuật công nghệ cao; dịch vụ cũng chủ yếu là dịch vụ động lực như khoa học - công nghệ, tài chính - tiền tệ, du lịch…

Hà Nội có vốn đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng cao trong cả nước và có tỷ lệ vốn đầu tư/GDP rất cao (trên 60% - cao gần gấp đôi tỷ lệ của cả nước). Mục tiêu thời kỳ 2016 - 2020 huy động vốn đầu tư xã hội khoảng 2,5 - 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 13 - 14%/năm, trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm tới 80%. Đây là tiền đề để tăng trưởng kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Đô thị Hà Nội đã phát triển rộng hơn, sâu hơn, cao hơn, đa dạng hơn, làm cho bộ mặt Thủ đô thay đổi lớn. Tuy nhiên, sức ép về quản lý đô thị, về ô nhiễm môi trường… cũng tăng lên. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả về đầu tư (hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP và tốc độ tăng GRDP cao hơn của cả nước - khoảng 7,2 lần so với trên 5 lần).

Xây dựng môi trường khởi nghiệp

Việc khởi nghiệp của Hà Nội vốn đã đạt kết quả khá, biểu hiện rõ nhất ở tỷ trọng khá cao về số DN, HTX. Với tinh thần khởi nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt là từ kết quả Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, cùng với lượng vốn lớn lên đến trên 700.000 tỷ đồng (đợt 1) gồm các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) và các dự án kêu gọi xã hội hóa, là cơ sở quan trọng để Hà Nội sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước. Mục tiêu thời kỳ 2016 - 2020 của Hà Nội tăng năng suất lao động đạt 6,5%/năm. Một căn cứ quan trọng khác là tư duy của lãnh đạo TP, của Chính phủ đối với Hà Nội có chuyển biến lớn. Có một thời gian, đã có những ý kiến cho rằng “Hà Nội không vội được đâu” đã tác động đến các bộ, ngành, đến cả một số lãnh đạo của TP cũng như các sở, ngành, quận, huyện, DN, người dân. Tuy nhiên, hiện TP đã và đang có nhiều giải pháp tích cực để khắc phục và làm chuyển biến tư duy này.