Khoảng 200 khách mời quốc tế tụ họp trong những ngày này đang mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai và khát vọng đưa Hà Nội thành kinh đô điện ảnh trong khu vực.
Không phải chờ đến hôm họp báo trước khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội 4, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT mới nói “Hà Nội sẵn sàng”. Tinh thần tham gia tích cực không chỉ với tư cách chủ nhà đăng cai, Hà Nội đang muốn biến liên hoan là cơ hội để quảng bá hình ảnh, du lịch và tham vọng hơn là một tương lai kinh đô điện ảnh trong khu vực. Trong dịp này, ngay sau tượng đài Lý Thái Tổ khán giả có cơ hội tham gia các buổi chiếu phim kết hợp trình diễn thời trang, biểu diễn âm nhạc.
Với các nhà làm phim, khán giả, LHP thực sự là cơ hội để thưởng thức, giao lưu học hỏi và mở rộng tầm mắt. Với các nhà hoạch định, liên hoan thực sự là một cơ hội vàng để quốc tế nhìn Việt Nam với con mắt khác. Kỳ liên hoan này số lượng phim gửi về đăng ký vượt trội, hơn 500 phim từ hơn 40 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, đủ thể loại và tạo cơ hội cho BTC chọn lựa 146 tác phẩm xứng tầm, đáp ứng gu thưởng thức phong phú của giới làm nghề và khán giả. Phim chiếu khai mạc Tôi, Daniel Blake vừa khởi chiếu ở Anh hôm 21/10 cũng kịp có mặt chiếu chiêu đãi khán giả dịp này.
Quyết tâm mở rộng các quốc gia cũng là một trong những bước tiến quan trọng của LHP. Một loạt phim chất lượng như “Remember” (Canada ), “Marguerite” (Pháp), “Nghĩa địa huy hoàng” (Thái Lan), “Những ngày tươi đẹp” (Hàn Quốc), “Không thể hòa hợp” (Iran ) hay “Những chú chim sắt” (Ấn Độ) xuất hiện trong hạng mục dự thi. Dù chưa thể vươn tới phim mới sản xuất, lần đầu công chiếu, nhưng việc chấp nhận tham gia, dự thi là điều đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam . Nhiều phim trong số này đều được các giải thưởng lớn ở quốc gia hoặc liên hoan phim quốc tế khác.
Đạo diễn Ấn Độ Adoor Gopalakrishman, thành viên Ban Giám khảo Phim dài dự thi nói rằng LHP Hà Nội mới đang ở giai đoạn khởi đầu, tin rằng trong năm, mười năm tới sẽ thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa của quốc tế. Không hẳn một lời phát biểu ngoại giao bởi nhìn từ Ấn Độ - kinh đô điện ảnh châu Á, ông nhìn ra tiềm năng từ các liên hoan phim quốc tế. Kinh đô điện ảnh thế giới - Mỹ - cũng diễn ra cả trăm liên hoan phim quốc tế một năm. Không đơn thuần là bệ phóng cho các tác phẩm điện ảnh, LHP còn là hình ảnh đại diện cho TP, một quốc gia. LHP Cannes chẳng hạn không chỉ nổi tiếng vì uy tín và chất lượng phim ảnh, mỗi kỳ tổ chức thu hút hàng trăm nghìn người đổ về, khi này Cannes còn là điểm du lịch đáng mơ ước của nhiều người.
Nhiều đại biểu đã đề nghị Hà Nội nên mỗi năm tổ chức LHP quốc tế một lần. Làm được điều này, Hà Nội càng có cơ hội lớn để khoác lên mình màu sắc và vị thế phong phú hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Cục Điện ảnh vẫn là đầu mối chính tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội, nhưng nói vậy không có nghĩa Hà Nội không thể đẩy mạnh hơn vai trò và vị thế chủ nhà. Trước mắt, bằng nỗ lực đề nghị trao giải thưởng cho phim về đề tài đô thị, Hà Nội tiến những bước ngày càng xa hơn trên con đường biến LHP Quốc tế Hà Nội thành thương hiệu, biểu tượng mới của Hà Nội.
Tối nay, 2/11, khán giả Hà Nội có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với đạo diễn Régis Wargnier và nữ diễn viên chính Catherine Deneuve. Hai nghệ sỹ đến Việt |