Hà Nội sẽ tiếp tục làm sạch lòng sông Nhuệ, Đáy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa đề xuất chủ trương đầu tư dự án nạo vét trục chính sông Nhuệ từ Liên Mạc đến đường Vành đai 4 và cải tạo lòng dẫn sông Đáy từ Yên Nghĩa đến Ba Thá.

Mục tiêu đầu tư nạo vét đoạn sông Nhuệ là để đồng bộ với các dự án đã và đang thực hiện, bảo đảm phát huy cao nhất hiệu quả phục vụ của hệ thống là cấp nước tưới cho trên 40.483 ha đất canh tác và tiêu nước cho 107.530 ha, trong đó có khu vực nội thành; góp phần xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; phục vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam... 

Quy mô dự kiến đầu tư, nạo vét từ cống điều tiết hạ lưu Liên Mạc đến đường Vành đai 4, dài 30,8 km; củng cố các đoạn bờ sông Nhuệ, dài 6,5 km; kè chống sạt lở những đoạn xung yếu, dài khoảng 1,5 km. Tổng mức đầu tư dự án gần 629,7 tỷ đồng. 

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình đề nghị bộ, ngành liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án Nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy từ Yên Nghĩa đến Ba Thá, với tổng mức đầu tư dự kiến 698,587 tỷ đồng.

 
Một đoạn sông Nhuệ chảy qua quận Hà Đông.
Một đoạn sông Nhuệ chảy qua quận Hà Đông.
Tuyến sông Đáy từ Yên Nghĩa đến Ba Thá dài khoảng 34,4 km, có nhiệm vụ cung cấp nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Đồng thời, tiêu thoát nước ở lưu vực hai bên bờ sông Đáy và đặc biệt là trục thoát lũ khi phân lũ sông Hồng vào sông Đáy khi cần thiết để bảo vệ cho khu vực trung tâm thành phố Hà Nội. Hiện trạng lòng sông Đáy bị bồi lấp về mùa khô không có nguồn sinh thủy, chất lượng nước ô nhiễm nặng nề.

Cùng với việc phát huy hiệu quả công trình cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận và công tác nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy đoạn từ đập Đáy đến Yên Nghĩa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang thực hiện, để đảm bảo yêu cầu chủ động phòng chống lũ, tiêu thoát nước chống ngập úng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh, giảm ô nhiễm môi trường, nước sông Đáy thì việc triển khai nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy từ Yên Nghĩa đến Ba Thá là cần thiết và là giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu cụ thể tại Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy.

Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối bố trí vốn thực hiện dự án. Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư thành phố thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư dự án, báo cáo Thường trực HĐND thành phố thống nhất đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Mục tiêu đảm bảo dẫn được lưu lượng 36,24 m3/s thường xuyên về mùa khô và cấp nước về mùa lũ nhằm cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh; tiêu thoát nước ở lưu vực hai bên bờ sông Đáy, làm sống lại sông Đáy, giảm ô nhiễm môi trường nước sông Đáy và lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2016-2020.

Sông Đáy có chiều dài 240km, chảy qua địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Tại Hà Nội, sông Đáy chảy qua địa phận các huyện: Phúc Thọ, Hoài Đức, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đan Phượng… có ý nghĩa quan trọng trong việc phân lũ và cung cấp nước. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, rác thải và tình trạng lấn chiếm của các xã ven sông đã khiến lòng dẫn sông Đáy bị ách tắc; nhiều vùng trồng rau, màu ven sông không phát triển được do nguồn nước ô nhiễm.

Cuối năm 2008, trước tình hình ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ – Đáy và ảnh hưởng của đợt mưa lớn bất thường gây ngập úng nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan triển khai các dự án cải tạo, khôi phục hệ thống sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ và xây dựng các trạm bơm Yên Sở, Yên Nghĩa, cụm công trình đầu mối Liên Mạc… nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện môi trường vùng ven sông, đồng thời nâng cao khả năng tiêu thoát nước cho trung tâm TP. Hà Nội khi xảy ra mưa lớn. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án đến nay còn rất chậm, tình trạng ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ – Đáy chưa được cải thiện, việc tiêu thoát nước cho TP Hà Nội khi xảy ra mưa lớn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần