Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Hà Nội sẽ trở thành trung tâm start-up (khởi nghiệp) của cả nước, quyết tâm này đã được các cấp lãnh đạo của TP Hà Nội khẳng định trong nhiều dịp gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng DN.

Nhiều cơ chế, chính sách mới đã và đang được TP hoàn thiện. Và dự báo “Thủ đô khởi nghiệp” sẽ có những động lực mới.
Nỗi lo “chảy máu”
Có một thực tế là đang có một làn sóng start-up Việt tìm đến các nền kinh tế như Singapore, Hongkong (Trung Quốc)… để khởi nghiệp, đặt nền móng kinh doanh. Lý do là tại các nền kinh tế này, thủ tục pháp lý để thành lập DN mới dễ dàng, đơn giản hơn, cùng rất nhiều cơ chế ưu đãi về thuế, vốn cho DN mới thành lập. Ông Nguyễn Hữu Tuất - Tổng Giám đốc Công ty mPos Việt Nam (phát triển ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua thiết bị mPOS) từng tiết lộ, mPos Việt Nam đang hoạt động với tư cách là công ty con của Softpay Mobile International – một công ty được nhóm của ông thành lập ở Singapore vào tháng 10/2014. Đến nay, ngoài thị trường Việt Nam, mPos đã có công ty ở Singapore, Indonesia, Malaysia, hiện đang triển khai tiếp ở Campuchia.

Ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua thiết bị mPOS đã mang lại nhiều thành công

trên thị trường. Ảnh: Thanh Huyền

Cũng cần phải kể đến Lozi - một ứng dụng chia sẻ địa điểm ăn uống dành cho giới trẻ, giờ là cả thời trang và làm đẹp do chàng trai 9x Nguyễn Hoàng Trung và các cộng sự trẻ tuổi của mình xây dựng nên từ 3 năm trước. Đến nay, Lozi đã có 4 triệu lượt truy cập mỗi tháng, ứng dụng Lozi có gần 600.000 lượt tải về. Đặc biệt, cuối năm 2015, Lozi đã nhận được khoản đầu tư triệu đô của Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures của Singapore và Tập đoàn DesignOne Japan của Nhật Bản. Giống như mPos, Lozi được đăng ký thành lập DN ở Singapore.
Sẽ không có gì là khó hiểu vì ở Singapore, một người nước ngoài muốn thành lập DN chỉ mất 2 ngày, vốn điều kiện tối thiểu là… 1 USD. Và còn một lý do đáng buồn khác là khởi nghiệp ở trong nước, các start-up Việt rất khó gọi vốn. Trong khi, các start-up ở nước ngoài được các quỹ đầu tư săn đón, thì các start-up ở trong nước phải đi săn các quỹ. Ở Việt Nam hiện chỉ có vài quỹ đầu tư, còn tại Singapore có tới trên 40 quỹ.
Thực tế này cũng được ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội thừa nhận: Có 80% DN ở Hà Nội khó tiếp cận được nguồn vốn do DN không đủ điều kiện về tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng thủ tục, quy trình vay vốn của các tổ chức tín dụng do quy mô nhỏ và hạn chế.
TP Hà Nội đã và đang tích cực xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN... để tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô, với định hướng xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý
Ngoài ra, theo chia sẻ của các start-up Việt, khi đặt công ty mẹ ở nước ngoài, uy tín của công ty – đặc biệt là công ty về công nghệ sẽ được nâng cao và được đánh giá tốt hơn khi tiến hành bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là chiến lược mà các start-up Việt hướng tới khi tính đến câu chuyện phát triển lâu dài, vươn ra toàn cầu cho DN của mình.
Cần có chính sách nuôi dưỡng
Nhìn ra thế giới, Israel - một đất nước diện tích nhỏ với hơn 8 triệu người nhưng lại tạo ra được một số lượng DN khởi nghiệp khổng lồ. Theo bà Meirav Eilon Sharhar - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam, để có đến 4.800 DN khởi nghiệp (cứ 1.844 người Israel có một DN start-up), “chúng tôi đã phải tạo ra được một hệ sinh thái mà trong đó các DN nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ Chính phủ, giữa Chính phủ, DN và sự sáng tạo kết nối chặt chẽ với nhau”.
“Trông người lại ngẫm đến ta”, rõ ràng, để có thể ngăn "chảy" start-up, nuôi dưỡng và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng DN và giới trẻ Việt thì từ cấp T.Ư cho đến các địa phương đều phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để nuôi dưỡng start-up.
Đứng trước đòi hỏi thực tiễn này, Hà Nội - địa phương đang có trên 200.000 DN, đứng thứ 2 cả nước về số lượng DN, đóng góp 40% thu ngân sách, tạo ra 67% việc làm, 38% sản phẩm trên địa bàn đã đưa ra thông điệp quyết tâm xây dựng “Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước”. Để thực hiện quyết tâm này, theo ông Tứ, về cơ chế chính sách, TP đã ban hành và thực hiện chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2016 – 2020; thực hiện Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Đề án đơn giản hóa thủ tục đăng ký DN trên địa bàn TP; thực hiện quy chế hỗ trợ sau đăng ký kinh doanh; thực hiện Quy chế tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị hàng ngày với DN…
Đối với nhóm giải pháp triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, ông Tứ cho hay, Hà Nội chủ trương đẩy mạnh triển khai các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin - Chính phủ điện tử - TP thông minh; hỗ trợ các dự án về không gian khởi nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực; tiếp cận nguồn vốn, xúc tiến đầu tư thương mại, tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin… Đặc biệt, lãnh đạo TP rất quan tâm xây dựng và phát triển hệ thống vườn ươm DN; xúc tiến kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm, có sự tham gia của Nhà nước, DN và các tổ chức quốc tế…
Hà Nội đã và đang rất quyết tâm hỗ trợ phát triển DN khởi nghiệp bằng cách rút ngắn thời gian đăng ký DN, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức phát triển nguồn nhân lực cho DN về quản lý, công nghệ, kỹ năng mềm… Kết nối DN với ngân hàng, khoa học công nghệ, thị trường… Với mục tiêu tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn TP nhằm hỗ trợ tối đa cho các DN khởi nghiệp, lãnh đạo TP cho biết sẵn sàng hợp tác với các quốc gia có tinh thần khởi nghiệp; hợp tác với các vườn ươm DN, các trường đại học quốc tế nước ngoài; thiết lập, kết nối với các tổ chức quốc tế như WB, ADB… để vừa tài trợ vừa làm chính sách; khuyến khích các tập đoàn lớn thế giới mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội…
 
TP Hà Nội đặt mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 có thêm 200.000 DN thành lập mới; Tỷ lệ DN có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 30 - 35%; Đến năm 2020, các hạn chế của DN Hà Nội được hỗ trợ khắc phục một bước cơ bản; Tạo dựng một tinh thần khởi nghiệp trên khắp địa bàn TP
Các dự án, đề án cụ thể của TP trong thời gian tới: Hình thành Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp của TP, chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Duy trì và nâng cấp hoạt động của vườn ươm DN chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội; Nghiên cứu Đề án xây dựng Vườn ươm DN công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, Vườn ươm DN cơ khí chế tạo...; Thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ khởi nghiệp TP, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư rủi ro…; Xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp 2016 - 2020…

TP Hà Nội đặt mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 có thêm 200.000 DN thành lập mới; Tỷ lệ DN có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 30 - 35%; Đến năm 2020, các hạn chế của DN Hà Nội được hỗ trợ khắc phục một bước cơ bản; Tạo dựng một tinh thần khởi nghiệp trên khắp địa bàn TP

Các dự án, đề án cụ thể của TP trong thời gian tới: Hình thành Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp của TP, chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Duy trì và nâng cấp hoạt động của vườn ươm DN chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội; Nghiên cứu Đề án xây dựng Vườn ươm DN công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, Vườn ươm DN cơ khí chế tạo...; Thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ khởi nghiệp TP, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư rủi ro…; Xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp 2016 - 2020…