Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Siêu thị tìm thêm nhà cung cấp, không để đứt gãy nguồn cung thực phẩm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, việc liên tục phát hiện những ca F0 tại các chợ truyền thống và doanh nghiệp (DN) cung ứng đầu vào cho siêu thị khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng sẽ đứt gãy nguồn cung. Tuy nhiên, hiện các siêu thị đã chủ động tìm các nhà cung ứng thay thế, đảm bảo đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô Hà Nội.

Nguy cơ bùng dịch rất cao
Sáng 2/8, quận Bắc Từ Liêm đã thông báo về việc tạm ngừng hoạt động chợ đầu mối Minh Khai vì liên quan đến ca bệnh Covid-19 là hộ kinh doanh tại chợ. Trước đó ngày 1/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã công bố 1 ca nhiễm Covid-19 thường xuyên lấy hàng tại khu hải sản, chợ Long Biên (quận Ba Đình).
Cùng ngày cũng ghi nhận một người bán rau tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) mắc Covid-19, lực lượng chức năng đã cho tạm phong tỏa một khu chợ này để lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương.
Tại quận Cầu Giấy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận cũng ra thông báo khẩn tìm người từng đến khu vực chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch) trong thời gian từ 22 - 29/7 do liên quan Covid-19.
Trước đó, ngày  28/7, chợ đầu mối phía Nam cũng tạm dừng hoạt động sau khi xuất hiện ca mắc Covid-19. Một số chợ truyền thống quy mô nhỏ khác, tiểu thương bán hàng thiết yếu lo sợ dính dịch nên dù chợ mở cửa nhưng người kinh doanh cũng tự nghỉ.

Phòng dịch Covid-19 tại chợ đầu mối phía Nam.

Thực tế cho thấy, hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội là không gian mở, cộng với lượng người đến giao dịch, mua bán đông, trong đó nhiều người có lịch trình di chuyển phức tạp. Bên cạnh đó, không gian xung quanh chợ luôn diễn ra buôn bán tự phát nên gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát dịch tễ. Đối với các chợ đầu mối, nguy cơ càng cao hơn do quy mô rất lớn.
Nguy cơ dịch Covid-19 không chỉ tấn công vào các chợ truyền thống mà tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng đang hiện hữu. Đêm 1/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội ra thông báo phát hiện nhiều ca dương tính Covid-19 tại Công ty thực phẩm Thanh Nga (82/651 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng).
Đáng chú ý, Công ty Thanh Nga là nhà cung cấp thực phẩm tươi sống cho một số siêu thị, cửa hàng tiện ích như: Vinmart, BRG, Hapro. Trước đó, ngày 31/7, siêu thị Co.op Mart Hà Đông cũng phải tạm dừng hoạt động sau khi lực lượng y tế phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) thông tin ca nhiễm Covid-19 phát hiện đã tới siêu thị vào 2 ngày 25, 26/7… Còn tại quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng tạm nghỉ do dịch bệnh.
Siêu thị, chợ đẩy mạnh chống dịch
Trước diễn biến ngày càng phức tạp, hầu hết các chợ đã tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19. Đại diện Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, tối 1/8, đơn vị đã cho lập hàng rào, cách ly khu vực chợ hải sản để tiến hành công tác phun khử khuẩn. Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan các chợ Đồng Xa, đầu mối phía Nam, Minh Khai đều đã tạm dừng hoạt động để truy vết F0 Covid-19.
Thực tế cho thấy, nhằm thực hiện mục tiêu giãn cách xã hội nhưng vẫn tạo thuận lợi cho người dân mua sắm và đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, tại nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai phát phiếu đi chợ ngày chẵn, lẻ cho người dân tại nhiều khu vực. Triệt để hơn, một số chợ đã có sáng kiến, vận động chính các tiểu thương bỏ tiền lắp tấm chắn nhựa giữa người mua với người bán.
Bà Vũ Than Tân kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ Kim Liên chia sẻ, việc chăng dây, đánh dấu vị trí xếp hàng, lắp tấm chắn nhựa góp phần nâng cao ý thức người hạn chế tiếp xúc khi mua sắm.
Hà Nội: Siêu thị tìm thêm nhà cung cấp, không để đứt gãy nguồn cung thực phẩm - Ảnh 2
Nhân viên siêu thị Big C đo thân nhiệt khách hàng trước khi vào Big C mua sắm.

Tương tự hệ thống các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang, sát khuẩn tay, đặc biệt quét mã QR khai báo y tế trước khi vào siêu thị.

Đồng thời, thường xuyên phát loa yêu cầu người dân tới mua sắm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, tăng cường tổng vệ sinh, toàn bộ nhân viên bán hàng đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trong quá trình mua bán, tiếp xúc với khách hàng.

Sở Công Thương Hà Nội liên tục đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn các chợ thực hiện triệt các quy định, hướng dẫn của ngành y tế trong phòng chống dịch. Cùng với đó là vận động thương nhân ưu tiên thực hiện phương thức giao dịch, bán hàng trực tuyến để vừa phòng chống dịch an toàn vừa bảo đảm việc lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân lẫn phát triển kinh tế.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thái Dũng cho biết, hệ thống siêu thị Hapro, BRG Mart liên tục triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19. Cụ thể, nhân viên nhận hàng và nhân viên giao hàng thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế. Trong quá trình giao nhận hàng hóa, nhân viên đưa hàng phải giữ khoảng cách 2m, để hàng, hóa đơn vào khu giao hàng rồi ra về, nhân viên siêu thị trong quá trình kiểm đếm phải xịt khuẩn hàng hóa rồi xác nhận lại với bên giao hàng. Tại khu vực siêu thị, cũng thực hiện giãn cách, bố trí vách ngăn, đo nhiệt độ, sát khuẩn… đồng thời khuyến cáo người dân giữ khoảng cách khi vào mua hàng hóa.

Về vấn đề phòng chống Covid-19 tại hệ thống siêu thị Vinmart, chiều 2/8, Phó Tổng giám đốc Thường trực VinCommerce Nguyễn Thị Phương thông tin nhà bán lẻ này xác định có 8 siêu thị VinMart và 15 cửa hàng VinMart+ đã nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc rà soát các F liên quan F0 của nhà cung cấp Thanh Nga và phối hợp các biện pháp phòng dịch phù hợp.

“Hiện các siêu thị, cửa hàng tiện ích VinMart đang tiến hành phun khử khuẩn và thực hiện mọi biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn phòng chống dịch của các cơ quan chức năng. Đồng thời tạm đóng cửa dừng hoạt động để cách ly các F liên quan, thay thế nhân viên để đảm bảo an toàn cho khách hàng, những siêu thị, cửa hàng Vinmar này sẽ chỉ được mở cửa trở lại khi đảm bảo không gian mua sắm an toàn và được sự cho phép của các cơ quan chức năng”- bà Nguyễn Thị Phương cho hay.

Tương tự siêu thị Co.opmart Hà Đông cũng đóng cửa tạm dừng kinh doanh để khử khuẩn do liên quan tới ca nhiễm Covid-19. “Chúng tôi đã trích xuất camera và xác định 9 nhân viên tiếp xúc với F0, hiện các nhân viên đã được lấy mẫu xét nghiệm. Siêu thị Co.opmart Hà Đông sẽ mở cửa trở lại khi có thông báo mới và chỉ đạo từ cơ quan chức năng” - Giám đốc Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin.

 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị.

Chủ động tìm nhà phân phối thay thế
Thực tế cho thấy, việc Công ty thực phẩm Thanh Nga phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng thời gian tới hệ thống siêu thị sẽ không đủ thực phẩm tưới sống đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về vấn đề này, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cho biết, Công ty thực phẩm Thanh Nga chỉ là một trong nhiều nhà cung cấp thịt cho hệ thống siêu thị BRG, Hapro. Việc Thanh Nga có ca dương tính với Covid-19 và tạm thời dừng hoạt động nên BRG đề nghị các nhà cung cấp như: Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH thực phẩm Minh Hằng, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam… tăng lượng thực phẩm cung ứng cho các siêu thị BRG, Hapro với giá không đổi. Đồng thời, BRG cũng đang tìm thêm các nhà cung cấp khác để bổ sung vào lượng hàng bị thiếu hụt.
Tương tự, đại diện siêu thị Vinmart cũng khẳng định sau khi dừng nhận hàng từ Công ty thực phẩm Thanh Nga, Vinmart đã làm việc với một số nhà cung cấp quy mô lớn bổ sung lượng thực phẩm tươi sống thiếu hụt qua đó đảm bảo không thiếu hàng.
Giám đốc Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin để đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại Co.opmart Hà Đông sẽ được chuyển về siêu thị Co.opmart Hà Nội (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông). Trong thời gian này, khách hàng có thể tới các điểm bán, siêu thị khác của Co.opmart tại Hà Nội để mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Hà Nội: Siêu thị tìm thêm nhà cung cấp, không để đứt gãy nguồn cung thực phẩm - Ảnh 4
Nhân viên siêu thị bổ sung nguồn  hàng thực phẩm.

Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, các DN bán lẻ đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30 - 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng, nên không thể xẩy ra hiện tượng khan hàng tăng giá đột biến.

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19" thay thế cho quyết định được ban hành trước đó vào tháng 8/2020. Theo đó, hướng dẫn rất rõ về việc xác định F0, F1, F2 và phòng chống với từng tình huống như thế nào. Về phía doanh nghiệp bên cạnh việc luôn tuân thủ đúng, đủ những quy định phòng chống Covid-19 cũng đang cập nhật từng phương án theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch HĐQT Hapro Nguyễn Thái Dũng