Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang; Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU, cùng đại diện lãnh đạo Trung ương và thành phố; các sở, ngành liên quan.
Bước đột phá trong sản xuất
Chương trình số 07-CTr/TU về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 được phê duyệt và triển khai thực hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, sự điều hành của UBND Thành phố, sự nỗ lực từ các cấp, các ngành địa phương, chuyên gia, người dân… trên địa bàn Thành phố, Chương trình 07-CTr/TU đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong nửa đầu nhiệm kỳ.
Các quan điểm, chủ trương, mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố đã được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn toàn Thành phố.
Các hoạt động nghiên cứu KH&CN ngày càng bám sát vào thực tiễn và nhu cầu của các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Từ đó lựa chọn và xác định được các nhiệm vụ có tính cấp thiết, có tính ứng dụng cao phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo công tác ứng dụng KH&CN, chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý.
Hoạt động phát triển thị trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức. Hà Nội đã trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước.
Chương trình đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế; tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cụ thể, năm 2022, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 13.663 (chiếm 33,8% và đứng đầu cả nước). Số lượng bằng/giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp năm 2022 trên địa bàn thành phố là 10.387 (chiếm 33,0% và đứng thứ hai cả nước).
Thành phố đã quan tâm tạo điều kiện và nguồn lực tối đa cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số. Thành phố đã bố trí hơn 20 tỷ đồng trong năm 2021 và hơn 15 tỷ đồng trong năm 2022 để triển khai các nhiệm vụ của Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (Đề án 4889) và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đánh giá, đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Qua đó, Hà Nội được xếp hạng 1 trên toàn quốc về đổi mới sáng tạo năm 2022.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, điển hình trong sản xuất nông nghiệp. Việc ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm...
Nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và xuất khẩu. Công nghệ cao đang được chú trọng quan tâm và dần trở thành xu thế và tính tất yếu trong sản xuất nông nghiệp 4.0.
Hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN, ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước, công tác sáng kiến, hoạt động duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực đã được sự quan tâm của UBND các quận, huyện, thị xã.
Chia sẻ kết quả triển khai Chương trình, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thực hiện Chương trình 07-CTr/TU, Sở Công Thương đã ban hành nhiều Kế hoạch triển khai. Trong đó, Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022, Sở đã vận động được 29 doanh nghiệp với tổng số 42 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực. Kết quả đã có 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp được Hội đồng đánh giá đạt sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Duy Hồng đánh giá: Việc triển khai Chương trình 07-CTr-TU trên địa bàn huyện có ý nghĩa rất thiết thực. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, toàn huyện đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, như công nghệ tưới tiết kiệm, nhà màng, nhà lưới, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ làm phân bón; sử dụng công nghệ thông tin vào ghi chép, kiểm soát quy trình sản xuất. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của huyện về làm đất đạt trên 100% diện tích canh tác.
Tập trung hoàn thiện thị trường khoa học, công nghệ
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao những kết quả mà Chương trình số 07-CTr/TU đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua. Đây là lần đầu tiên Thành ủy Hà Nội ban hành một chương trình riêng về khoa học và công nghệ, cho thấy thành phố quan tâm đến lĩnh vực quan trọng này.
Điểm lại những kết quả nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, thành công lớn của Chương trình số 07-CTr/TU là sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các đơn vị, sở ngành đối với vấn đề khoa học và công nghệ hiện nay. Các quan điểm, chủ trương, mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố đã được triển khai hiệu quả, đặc biệt đối với giới trẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác chỉ đạo triển khai của một số cấp ủy đảng, Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chưa quyết liệt, sâu sát. Việc xây dựng, ban hành một số đề án, kế hoạch, chuyên đề còn chậm so với tiến độ đề ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức; sự gắn kết giữa nhà khoa học, nhà trường, các đơn vị nghiên cứu còn lúng túng; việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các quận/huyện, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, còn hạn chế; chưa phát huy được hiệu quả của Quỹ phát triển khoa học công nghệ…
Để đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU trong nửa cuối nhiệm kỳ, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thống nhất nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng và nguồn lực tri thức phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển, trong đó tập trung vào hoàn thiện nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tổ chức các hội nghị nhằm huy động trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tham mưu, đóng góp ý kiến cho nội dung chính sách. Đặc biệt là hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định vai trò, vị trí của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các Quy hoạch Thủ đô. Cùng với đó là tập trung nguồn lực của thành phố để hình thành các cơ sở, các tổ chức trung gian để sớm hình thành thị trường KH&CN; khẩn trương triển khai dự án “Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội”.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm đầu mối giúp thành phố xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội. Trong đó, huy động nguồn lực khoa học và công nghệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu lớn trên địa bàn. Tập trung rà soát, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn của thành phố cũng như của các ngành, địa phương để giải quyết những vấn đề liên quan đến sự phát triển của Thủ đô trên tất cả lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt lĩnh vực chuyển đổi số.
Nhấn mạnh tầm quan trọng việc khuyến khích đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong kiến nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ tạo cơ chế linh hoạt, cởi mở để các trường đại học, đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh lĩnh vực này; đồng thời hỗ trợ việc tự chủ của các đơn vị, khai thác hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Về phía thành phố Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thử nghiệm các chính sách về đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, để Hà Nội trở thành trung tâm khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo của cả nước.
Gợi mở nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục bám sát chương trình đề ra cùng các cơ chế, chính sách liên quan để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền thành phố; phát huy vai trò đầu tàu của Hà Nội trong phát triển khoa học công nghệ.
“Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Bên cạnh chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thì đây cũng là một căn cứ để các nhà đầu tư lựa chọn địa bàn đầu tư. Chúng tôi mong rằng, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trong một vài năm tới là một chỉ số quan trọng để các nhà đầu tư căn cứ vào đó để lựa chọn môi trường đầu tư, kinh doanh”- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh và mong muốn Hà Nội quan tâm, bám sát, phối hợp với Bộ trong triển khai nội dung này.