Hà Nội: Số người đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 30%

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bình quân số lượng người đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn Hà Nội tăng bình quân khoảng 30% so với thời điểm giãn cách xã hội, nhưng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội – Sở LĐTB&XH Hà Nội Tạ Văn Thảo đã thông tin về tình hình thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, trong tháng 9 và 10/2021, Trung tâm DVVL Hà Nội thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tăng cường thực hiện các biện pháp hỗ trợ giải quyết chính sách BHTN cho người lao động, tuy nhiên vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong tháng 10/2021, người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách BHTN đông hơn so với thời điểm trước giãn cách xã hội. Tổng cộng từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp nhận khoảng hơn 53.000 người lao động đến làm thủ tục hưởng BHTN, giảm khoảng 20% so cùng kỳ năm ngoái. Nhưng so với các tháng trước, số người lao động đến làm thủ tục hưởng BHTN tăng không nhiều (tăng trung bình khoảng 30%) vì trong thời điểm giãn cách xã hội, Trung tâm DVVL Hà Nội vẫn hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục hưởng BHTN qua hình thức gián tiếp, đó là gửi hồ sơ qua đường bưu điện; cộng với 15 địa điểm tiếp nhận hồ sơ khá thuận tiện cho người lao động.
 Người lao động làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Thủy Trúc.
Số lượng người lao động đến làm thủ tục tăng trung bình khoảng 30% thể hiện mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2021 nhẹ hơn năm 2020? Trước câu hỏi này, Giám đốc Tạ Văn Thảo phản hồi: Không thể nói thế được. Phản ứng của thị trường lao động bao giờ cũng trễ hơn thị trường khác. Thứ nữa, chính sách BHTN được thiết kế chắc chắn, thể hiện vai trò an sinh xã hội, có tính bền vững cao, thực hiện nguyên tắc có đóng – có hưởng.
Ngoài ra, theo quy định, người lao động có 3 tháng để nộp hồ sơ. Trong thời gian 2 tháng TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cơ bản những người lao động có đầy đủ hồ sơ BHTN đã chủ động gửi qua đường bưu điện nên sau giãn cách, số người đến làm thủ tục hưởng BHTN đã phản ánh đúng thực trạng của thị trường lao động.
 Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận hơn 53.000 hồ sơ của người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Thủy Trúc.
“Hiện nay, trung bình mỗi ngày Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp nhận xấp xỉ gần 300 người đến làm thủ tục hưởng BHTN. Con số này không tạo áp lực nhiều như là thời điểm sau giãn cách tháng 4 năm 2020” – ông Tạ Văn Thảo thông tin.
Đồng thời ông Tạ Văn Thảo cho rằng, số lượng hồ sơ đề nghị hưởng BHTN thấp hơn so với năm ngoái có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả chính sách. Cụ thể, thời gian vừa rồi, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành một loạt gói hỗ trợ người lao động và DN bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do Covid-19. “Những chính sách hỗ trợ đó đã phát huy hiệu quả, bằng vào việc người sử dụng lao động vừa là vì mục đích kinh doanh của DN, phục vụ mục tiêu sản xuất của công ty, vừa nhận định thị trường sau giãn cách việc tìm kiếm lao động khó hơn nên họ đã dựa vào những gói an sinh đó giữ chân người lao động. Hai nữa, tâm lý của người lao động sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên cố duy trì giữ công việc của mình; hạn chế tình trạng nhảy việc” – Giám đốc Trung tâm DVVL Tạ Văn Thảo nhận định.
Thực tế quan sát, thống kê hồ sơ đề nghị hưởng BHTN của người lao động trong những năm qua, Trung tâm DVVL Hà Nội nhận thất trên 70% người lao động thất nghiệp là do nguyên nhân xin nghỉ việc để tìm cho mình một công việc tốt hơn, bền vững hơn. Đó là lúc thị trường lao động ở trạng thái bình thường, có nhiều cơ hội tìm công việc tốt hơn thì người ta sẵn sàng tìm việc khác. Tuy nhiên, do  ảnh hưởng của dịch, tâm lý người lao động sẽ ngại nhảy việc, mà sẽ giữ cho mình cơ hội đang nắm bắt trong tay. Đấy là nguyên nhân người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách BHTN năm 2021 giảm so với năm 2020. Và, con số này phải không phản ánh mức độ của ảnh hưởng nền kinh tế mà nó là do đặc thù, tính chất của thị trường lao động.