Hà Nội: Sớm thí điểm đưa công nghệ thực tế ảo vào chương trình học phổ thông

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để chuẩn bị nguồn nhân lực sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong tương lai gần, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Giáo dục & Đào tạo khẩn trương thí điểm đưa công nghệ thực tế ảo vào chương trình học phổ thông.

Chiều 12/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử của TP đã chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch công nghệ thông tin TP Hà Nội năm 2020. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. 

Tạo nền tảng bước đầu để công nghệ thông tin là công cụ chính để cải cách hành chính

Theo báo cáo của Sở TT&TT Hà Nội, năm 2019, TP tiếp tục triển khai Hệ thống họp trực tuyến đến 584 xã, phường, thị trấn; đã triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, tổ dân phố tại các quận huyện như Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm. Hoàn thành công tác khảo sát, lập kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với cơ sở dữ liệu đất đai của TP.

Tiếp tục duy trì hiệu quả Cổng dịch vụ công TP và các dịch vụ trực tuyến (DVCTT) mức độ 3,4 dùng chung của TP. Tính đến 31/12/2019, tổng số TTHC đã triển khai DVCTT mức độ 3, 4 là 1.448/1.818 thủ tục hành chính (TTHC), đạt 81%, trong đó 1.151 DVCTT mức 3 và 297 DVCTT mức 4…

Trong năm 2019, tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, cấp phép đầu tư qua mạng đạt 73%. Về triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp đạt trên 85%, tăng 7% so với năm 2018. Thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội); triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến. TP đã kết nối liên thông 5.607 cơ sở, hoàn thành kết nối liên thông 100% nhà thuốc tư nhân, 100% nhà thuốc, quầy thuốc trong các cơ sở y tế công lập của TP. Mở rộng quy mô triển khai hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng thiết bị di động thông minh.

Mục tiêu của Kế hoạch công nghệ thông tin của TP năm 2020 là từng bước xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Bảo đảm hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng Thành phố ổn định, an toàn, bảo mật thông tin phục vụ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính.

Rút ngắn từ 30-50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử. Từng bước phấn đấu hoàn thiện, duy trì 100% DVCTT mức độ 3, 4, trong đó tối thiểu 35% DVCTT mức độ 4...

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu trong thời gian tới, các sở cần cụ thể hóa những biện pháp giải pháp để phát triển công nghệ thông tin với mục tiêu và thời hạn rõ ràng; bổ sung các phần mềm như quản lý sức khỏe. Trước mắt, cần giải quyết ngay việc duy trì Cổng thông tin điện tử dùng chung, phần mềm quản lý giáo dục; tổ chức đấu thầu đơn vị mới. Giao Sở TT&TT, Sở Tư pháp xây dựng văn bản của TP hướng dẫn, phân công sở ngành thực hiện theo Nghị định 73 của Chính phủ.

Tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình công nghệ thông tin

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận các đơn vị của TP đã triển khai quyết liệt bài bản những Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND TP về chương trình công nghệ thông tin. Nhờ đó đã tạo nền tảng bước đầu để đưa công nghệ thông tin là công cụ chính để cải cách hành chính.

 Toàn cảnh hội nghị. 

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng thẳng thắn chỉ ra một số cán bộ còn “ngại” triển khai chương trình công nghệ thông tin. Vì thế, Chủ tịch UBND TP đề nghị tất cả các đơn vị sở, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm để có thể tăng tốc thực hiện các mục tiêu của chương trình công nghệ thông tin. “Muốn các phần mềm hoạt động hiệu quả thì phải có sự tham gia của chính các cán bộ lãnh đạo và chuyên viên” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Nêu một số nhiệm vụ thực hiện ngay trong tháng 2, Chủ tịch UBND TP giao Văn phòng làm văn bản đôn đốc các sở, ban ngành để hoàn thành 283 thủ tục dịch vụ công mức độ 3,4. Đối với 77 dịch vụ công đã được các chuyên gia viết xong phần mềm, cần khẩn trương chạy demo; triển khai thí điểm các Kiot có thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin tại các tòa nhà, thang máy. Yêu cầu Văn phòng UBND TP sớm sắp xếp lại Trung tâm tin học công báo TP.

Ngay trong tháng 2, Chủ tịch UBND TP giao Sở TT&TT chủ trì hoàn thiện hồ sơ đấu thầu thuê sever và đường truyền; khẩn trương xây dựng khung kiến trúc điện tử chính phủ 2.0; tiếp tục nâng cao kiến thức tin học cho cán bộ tối thiểu đạt trình độ C tin học; chịu trách nhiệm cùng với Sở Tài chính, KH-ĐT phân bổ kinh phí về công nghệ thông tin.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP hoàn thành đơn vị tư vấn Trung tâm điều hành giao thông và chia các gói thầu trình sở Tài chính để TP phê duyệt, làm sao để Trung tâm đi vào hoạt động trong tháng 6 tới.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận sớm hoàn thiện thủ tục để đấu thầu lắp đặt camera, phấn đấu lắp đặt từ 15.000 đến 17.000 camera trên địa bàn 12 quận.

Cục Thuế chủ trì, tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh lắp đặt hệ thống hóa đơn điện tử để nộp thuế qua mạng và xuất hóa đơn. Công an TP cập nhật thường xuyên biến động về dân cư, bồi dưỡng tập huấn cho cảnh sát khu vực để sử dụng thành thạo phần mềm dữ liệu dân cư. Sở Y tế lắp đường truyền giám định bảo hiểm y tế, cập nhật dữ liệu công tác khám chữa bệnh.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Giáo dục & Đào tạo khẩn trương thí điểm đưa công nghệ thực tế ảo vào chương trình học phổ thông. Theo Chủ tịch UBND TP, có như vậy thì tương lai từ 5 năm đến 15 năm nữa chúng ta mới có nguồn nhân lực am hiểu về vấn đề này.

Chủ tịch UBND TP nêu yêu cầu thiết kế một công giao tiếp điện tử của TP để làm sao người dân chỉ phản ánh vào một địa chỉ duy nhất và tiếp cận các thông tin của Thành phố một cách dễ dàng nhất. Đồng thời, giao tất cả các đơn vị rà soát để công khai các thông tin về dịch vụ công, để trong thời gian tới, TP sẽ thí điểm đưa cổng Hà Nội Smart City vào hoạt động. “Các giải pháp về công nghệ thông tin là làm sao để nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị của chính quyền, đồng thời giảm chi phí cho xã hội, cho người dân và doanh nghiệp”- Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần