Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Sương mù dày đặc khiến chất lượng không khí ở mức xấu và kém

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/2, hiện tượng sương mù xảy ra khắp địa bàn TP Hà Nội, khiến chất lượng ở mức kém. Đến trưa nay, mặc dù sương mù đã giảm nhưng chất lượng không khí vẫn ở mức kém và xấu, nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Sương mù dày đặc sáng 13/2. Ảnh chụp tại đường bờ sông Sét (quận Hoàng Mai, Hà Nội) Ảnh: Hà Ánh

Cụ thể, chỉ số không khí cập nhật theo giờ trên website: moitruongthudo.vn vào lúc 8h00' hôm nay cho thấy, Hà Nội có 8/10 trạm quan trắc ghi nhận chất lượng không khí ở mức kém (màu cam), chỉ số chất lượng không khí (AQI) từ 103 - 148, gồm: Hoàn Kiếm 103, Tây Mỗ 105, Mỹ Đình 109, Trung Yên 3 là 123, Thành Công 127, Minh Khai 147, Phạm Văn Đồng 147 và Hàng Đậu 148; có 2/10 trạm quan trắc có chỉ số AQI ở ngưỡng trung bình (màu vàng) là Kim Liên 88, Tân Mai 99.
Tính đến 11h00 trưa nay, cũng trên website: moitruongthudo.vn, chỉ số AQI tại các trạm quan trắc tăng cao hơn. Chỉ có khu vực Hoàn Kiếm có chỉ số AQI ở mức trung bình - 88, 5/10 trạm quan trắc ghi nhận chất lượng không khí ở mức xấu, chỉ số AQI cao dao động từ 155 -167 như: Thành Công, Hàng Đậu, Minh Khai… Các khu vực còn lại ở mức kém.
Tổng cục Môi trường nhận định, nguyên nhân của tình trạng sương mù nhiều ở Hà Nội vào sáng nay là do nhiệt độ tăng sau nhiều ngày chìm trong giá lạnh, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao.
Đặc biệt, vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng, trời lặng gió nên dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt gây sương mù vào sáng sớm. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí không thể phát tán lên cao và đi xa dẫn đến ô nhiễm...
Chỉ số chất lượng không khí TP Hà Nội tính đến 11h00 trưa nay (13/2).

Trong điều kiện chất lượng không khí như hiện nay, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cũng đưa ra những khuyến cáo cho người dân, nhóm nhạy cảm (bao  gồm: Trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.
Khi tham gia giao thông mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc đường. Tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao như: Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai…
Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp. Người dân nên hạn chế ra ngoài trời để bảo vệ sức khỏe. Nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang đạt chuẩn có thể ngăn được bụi mịn (PM2.5)...