Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những thành tựu kinh tế mà Thủ đô đạt được là toàn diện và to lớn. Hà Nội đột phá, đầu tàu trong phát triển kinh tế. Hà Nội đang hướng tới kinh tế số, kinh tế chia sẻ…nâng cao năng suất, tăng tính cạnh trạnh.

TS Nguyễn Minh Phong nhận định tại Toạ đàm trực tuyến “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng nay 25/9. Vị chuyên gia kỳ vọng, có nhiều căn cứ để hy vọng Hà Nội đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước  như Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra.

Các diễn giả tại Toạ đàm
Các diễn giả tại Toạ đàm

Hà Nội luôn vươn lên, phát triển toàn diện

Trên hành trình 70 năm qua, Hà Nội luôn vững vàng vượt qua mọi thách thức, cả trong phòng chống cuộc chiến tranh phá hoại, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng đô thị và phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh…

Sau thống nhất đất nước, Hà Nội đồng hành và chia sẻ cùng cả nước những khó khăn, thách thức của công cuộc đổi mới và hội nhập, lần tìm và thử nghiệm nhiều giải pháp xoá đói, giảm nghèo, chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, phục hồi và làm cho sản xuất bung ra, khắc phục những quá tải hạ tầng kinh tế - xã hội của một Thủ đô đang đô thị hoá nhanh và đứng trước nhiều mục tiêu lớn, nâng tầm vị thế để thích ứng với yêu cầu mới trong bối cảnh mới.

Sau điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội, động lực mới tái cơ cấu về không gian kinh tế, lẫn hệ thống kết cấu hạ tầng và kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Sự bổ sung dân số và hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (trong đó nhiều di sản có lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm được xếp hạng quốc gia) từ các địa phương góp phần gia tăng sức hấp dẫn của Thủ đô về nguồn nhân lực và văn hóa đa sắc vô giá, củng cố sức sống tự thân mãnh liệt bên trong của một thị trường có dung lượng lớn, cũng như tạo sức hút và lan tỏa mạnh mẽ, tăng tính liên kết, hoàn chỉnh và hấp dẫn hơn của thị trường Hà Nội với các địa phương và thị trường khác trong vùng, trong cả nước và với quốc tế.

Đặc biệt, thách thức lớn chưa từng có mới đây là đại dịch Covid-19 bùng phát nhanh chóng trên khắp địa bàn Thủ đô, cả nước và trên thế giới từ năm 2020, với hệ luỵ toàn diện và kéo dài cả về y tế và kinh tế, trước mắt và tương lai…

Vượt qua mọi thách thức đó, Hà Nội vẫn luôn giữ vị trí đầu tầu, nguồn động lực phát triển kinh tế khu vực và cả nước. Hiện Thủ đô Hà Nội là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới, tương ứng bằng 21,2% và 1% về diện tích; 41,7% và 8,1% về số dân; 47,46% và 12,59% về GRDP; 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước; 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu; 29,77% và 10,77% kim ngạch nhập khẩu của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Hà Nội có những bước tiến rất xa và vững chắc toàn diện, tổng thể cả về lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi được nâng cao; quốc phòng an ninh được giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chương trình nông thôn mới, công tác xóa đói giảm nghèo được làm tốt.

Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế-xã hội Thủ đô ngày càng đồng bộ và hiện đại. Trên địa bàn Thủ đô xuất hiện ngày càng nhiều khu đô thị hiện đại và triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng, có tính liên vùng: Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình… Thành phố đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn, như đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; nút giao thông trung tâm quận Long Biên; cầu vượt nút Bắc Hồng (huyện Đông Anh); đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái cùng các công trình chống ùn tắc trong nội đô như cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh; đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; đường Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32…;

Hiện Thủ đô đang tăng cường hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô, phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, …

“Có thể nói, những thành tựu kinh tế mà Thủ đô đạt được là toàn diện và to lớn, khẳng định tiềm năng và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn…”- TS Nguyễn Minh Phong bày tỏ.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội như sau: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0%-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD, đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD. Nói về khả năng để Hà Nội thực hiện được những mục tiêu này, TS Nguyễn Minh Phong cho biết, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành, địa phương và của nhân dân cả nước.

Hà Nội luôn có mức tăng trưởng dương và cao hơn mức tăng trung bình trên cả nước từ 1,2-1,5 lần trong suốt nhiều thập kỷ qua. Hà Nội có nhiều lợi thế về sự đa dạng hoá các nguồn lực và thành tựu đã đạt được dựa trên vị thế, tiềm năng và sự nỗ lực của Thủ đô, sự hỗ trợ của TƯ và sự hợp tác chặt chẽ với  các địa phương trên cả nước với tinh thần “ Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô”.

TS Nguyễn Minh Phong bày tỏ, Nghị quyết số 15 và  Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua và mới đây là Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đã xác định rõ những định hướng và động lực quan trọng nhất, soi rọi hướng đi, thổi luồng sinh khí linh thiêng vào tâm khảm mỗi người dân Thủ đô và đồng bào cả nước, xác lập nền tảng quan trọng và tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, cộng hưởng và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, tạo nhiều kỳ vọng lớn lao cho công cuộc xây dựng và phát triển Hà Nội theo "tầm nhìn mới - tư duy mới”, "cơ hội mới - giá trị mới" để từng bước trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Thành phố Thông minh”, “Thành phố sáng tạo”, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển  và hiện thực hoá khát vọng xây dựng Tổ Quốc Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, kinh tế Thủ đô đã phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội tăng dần qua các năm, phản ánh xu hướng tích cực trong việc dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất.

TP hỗ trợ phát triển bền vững, đồng bộ các thị trường; xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao; phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô.

TP nên ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp - công nghệ cao và các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao, công nghiệp văn hoá, du lịch; phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nhất là công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc.

TS Nguyễn Minh Phong phát biểu tại Toạ đàm.
TS Nguyễn Minh Phong phát biểu tại Toạ đàm.

“Hà Nội nên tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng của Thành phố, gồm: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bán dẫn, dịch vụ logistics, thương mại điện tử, du lịch, giáo dục, y tế...; hình thành mạng lưới kinh doanh thương mại hiện đại khu vực ngoại thành”- TS Nguyễn Minh Phong nhận định. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước.

Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Thực hiện chủ trương phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực: trong hai năm 2021 - 2022 đã có 55 doanh nghiệp với 79 sản phẩm; năm 2023 có 33 sản phẩm của 24 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố.

Nhấn mạnh đến vai trò đầu tư công sẽ dẫn dắt, tạo động lực kết hợp với khuyến khích, phát huy các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế. TS Nguyễn Minh Phong kiến nghị, TP Hà Nội cần tiếp tục có cơ chế phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô; phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị trong nước và thế giới. Thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế; tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Đồng thời, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

“Bởi vậy, có nhiều căn cứ để hy vọng Hà Nội đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước  như Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra”- TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, triển khai tốt Luật Thủ đô

Để có nhiều đột phá cho phát triển Thủ đô thời gian tới, Hà Nội hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực của vùng… Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới…

Đặc biệt, Hà Nội cần tập trung triển khai tốt Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 sáng 28/6/2024; trong đó chú ý khai thác tốt 50 nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền, với hai nhóm cơ chế chính sách có hiệu lực từ 1/1/2025 và từ 1/7/2025; trong đó, nổi lên 2 vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo đột phá trong cả nhận thức và thể chế về đầu tư trên địa bàn Thủ đô. Đơn cư như:

Theo Điều 36, Đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước: Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của Thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ. Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách Thành phố, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn. HĐND TP phê duyệt đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm do Ủy ban, UBND TP quyết định thành lập Quỹ, ban hành điều lệ, quy chế đầu tư của Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Hoặc theo Điều 37, Thẩm quyền về đầu tư: HĐND TP quyết định danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô; quyết định chủ trương đầu tư đối với các đầu tư công, dự án PPP không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trên địa bàn TP, gồm: Dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD không giới hạn tổng mức vốn đầu tư, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên; Dự án đầu tư công, dự án PPP không giới hạn tổng mức vốn đầu tư (trừ dự án quy định tại điểm a khoản này và các dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh có mức độ tuyệt mật, dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ).

Ngoài ra, HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, dự án PPP trên địa bàn TP có sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, dự án PPP đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và giao UBND TP làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trong trường hợp không làm tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài.

UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha đến dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên, trừ dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Đồng thời, quyết định đầu tư dự án đầu tư công, phê duyệt dự án PPP đã được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư nêu trên; quyết định lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và nước ngoài; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực, phương thức thực hiện, phương thức thanh toán khác với quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô; tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND TP phù hợp trình tự, thủ tục do HĐND TP   quy định chi tiết.

“Như vậy, với Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024, lần đầu tiên Hà Nội được phép lập Quỹ đầu tư  mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của TP nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ. Nếu được thiết kế tốt và có quy mô đủ lớn, được vận hành nghiêm túc và chuyên nghiệp, thì đây  sẽ là công cụ mới đầy sức mạnh và hiệu quả được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong dùng NSNN đầu tư mồi, tạo tác động lan toả phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển mô hình kinh doanh mới trên địa bàn Thủ đô”- TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Hơn nữa, với sự phân cấp mạnh về thẩm quyền đầu tư không giới hạn quy mô vốn với các dự án không dùng vốn NSNN và được nhận uỷ quyền cho phép quyết định đầu tư các dự án dùng vốn NSNN thuộc thẩm quyền Quốc hội và Chính phủ, với điều kiện không làm tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài...thì thực sự Hà Nội đã có trong tay bộ công cụ rất mạnh để tạo đột phá trong đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn Thủ đô.

“Với những nội dung phân cấp, phân quyền mới mang tính đột phá, Luật Thủ đô là minh chứng mới nhất và bền vững cho lòng tin yêu, sự tin cậy và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả nước với Thủ đô. Thực hiện tốt Luật Thủ đô vừa là quyền lợi to lớn, vừa là trách nhiệm cao cả của TP Hà Nội và cả nước”- TS Nguyễn Minh Phong nhận định.