Hà Nội tăng cường hợp tác với các địa phương Pháp trong lĩnh vực văn hóa

Ngô Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi bắt đầu hợp tác năm 1989, Thủ đô Hà Nội và Vùng Ile-de-France (Pháp) đã có rất nhiều hoạt động tương trợ, giao lưu, đặc biệt trong lĩnh vực Di sản văn hóa.

Hà Nội mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác, đồng hành của các địa phương Pháp trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và xây dựng công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Đó là điều mà ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh trong hội thảo chuyên đề “Văn hóa, Di sản và Du lịch” ngày 14/4, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt-Pháp lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội.

30 năm hợp tác trong lĩnh vực văn hóa di sản

Tại hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng điểm lại những dự án hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương Pháp trong suốt 30 năm qua.

Hình ảnh biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được bảo tồn với sự hỗ trợ của các chuyên gia Vùng Ile-de-France, Pháp.
Hình ảnh biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được bảo tồn với sự hỗ trợ của các chuyên gia Vùng Ile-de-France, Pháp.

Bắt đầu từ sự hợp tác với vùng Ile-de-France được thiết lập từ năm 1989, từ đó đến nay, giữa Hà Nội và Ile-de-France đã có rất nhiều hoạt động tương trợ, giao lưu, đặc biệt trong lĩnh vực Di sản văn hóa.

Ngay từ khi xây dựng Hồ sơ đề cử Hoàng thành Thăng Long là di sản Thế giới, vùng Ile de France đã cử nhiều đoàn chuyên gia hỗ trợ xây dựng Kế hoạch quản lý; thiết kế khu bán vé và trung tâm thông tin tạm thời phục vụ khách tham quan; tham gia phản biện và góp ý kiến cho 2 đồ án quy hoạch Thành cổ Hà Nội và Thành Cổ Loa, đồng thời cử chuyên gia sang đào tạo về hướng dẫn du lịch cho cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội và Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm.

Đại diện vùng Ile-de-France tại Hà Nội (PRX) đã hỗ trợ di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đánh giá các hoạt động tại di tích và lập nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di tích năm 2016. Từ năm 2018 đến nay đã tham gia tư vấn nội dung trưng bày của Bảo tàng Hà Nội và hỗ trợ UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án “Quy hoạch không gian công cộng và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm”, trong đó đang thi công chỉnh trang, cải tạo vườn hoa Diên Hồng; tu sửa biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo thành Trung tâm giao lưu văn hóa phố cũ, phục vụ phát triển du lịch. Cơ quan quản lý chất lượng không khí vùng Paris hỗ trợ nghiên cứu chất lượng không khí khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Nhiều hoạt động khác như: trưng bày tư liệu, hình ảnh các di sản Hà Nội đã được phối hợp tổ chức tại Paris, khu đô thị cổ Provins. 

Các em học sinh tham quan tại Ngôi nhà Di sản, số 87 Mã Mây.
Các em học sinh tham quan tại Ngôi nhà Di sản, số 87 Mã Mây.

Với thành phố Toulouse, từ năm 1996, hai thành phố đã bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản. Hà Nội và Toulouse đang mở rộng hợp tác về gìn giữ đặc trưng văn hóa, di sản phi vật thể như nghề truyền thống, lối sống của người dân Phố cổ. Từ đó đến nay, hai thành phố đã có nhiều dự án quan trọng như: Cải tạo ngôi nhà ở truyền thống 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc, trụ sở Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, nhà 51 Hàng Bạc, chỉnh trang đoạn phố Tạ Hiện, xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội tại số 50 phố Đào Duy Từ...

Hoạt động hợp tác đã được mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới hướng đến  phát triển bền vững, trao đổi văn hóa, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Pháp, Đại sứ quán Pháp, Trung tâm văn hóa Pháp, Viện Pháp, Viễn đông Bác cổ.

Từ năm 2017 đến nay, các chuyên gia Pháp cũng hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện cho Bảo tàng Hà Nội, các di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu và nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại Hà Nội như: Các chương trình văn hóa nghệ thuật, hoạt động trao đổi giữa các nghệ sỹ thị giác Pháp và Việt Nam tại Hà Nội; Triển lãm ảnh quốc tế Photo Hanoi 2021, 2023. Một số chuyên gia lĩnh vực bảo tàng học, kiến trúc sư, nhà thiết kế Pháp đã có gần 20 đợt làm việc, tư vấn nội dung trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội. Các cơ quan lưu trữ ở Pháp giúp đỡ để hoàn thiện thủ tục khai thác bản quyền tư liệu, hình ảnh, video phục vụ trưng bày của di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu và Bảo tàng Hà Nội...

Tháng 10 năm 2019, Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế, một số thành phố của Cộng hòa Pháp trong Mạng lưới đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Hà Nội trong tổ chức thực hiện các sáng kiến và cam kết của mình. 

Phát huy di sản bằng công nghiệp văn hóa

Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển du lịch, xây dựng Thành phố Sáng tạo, ông Đỗ Đình Hồng bày tỏ mong muốn chính quyền vùng Ile-de-France, thành phố Toulouse, Bộ Ngoại giao Pháp, Đại sứ quán Pháp, các thành phố trong Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO và các cơ quan của Pháp tiếp tục hỗ trợ, hợp tác, đồng hành cùng Hà Nội trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và xây dựng Hà Nội-Thành phố Sáng tạo.

Hội thảo điểm lại thành tựu trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ở lĩnh vực văn hóa di sản diễn ra ngày 14/4/2023.
Hội thảo điểm lại thành tựu trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ở lĩnh vực văn hóa di sản diễn ra ngày 14/4/2023.

Cụ thể, ông Đỗ Đình Hồng kiến nghị phía Pháp tăng cường thông tin quảng bá hình ảnh đất nước, con người Thủ đô; giới thiệu cơ hội đầu tư, tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch địa phương; giới thiệu chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt, tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, diễn đàn giao lưu, xúc tiến chéo trong các hoạt động quảng bá văn hóa tại các không gian sáng tạo ở Pháp và Hà Nội.

Vấn đề đào tạo nhân sự, nghiên cứu, khoa học, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản, giáo dục sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng được ông Đỗ Đình Hồng đề cập đến.

Với các dự án sẵn có tại Bảo tàng Hà Nội, di tích Văn Miếu, Nhà tù Hỏa Lò và các không gian sáng tạo văn hóa tại Hà Nội, ông Đỗ Đình Hồng mong phía Pháp tiếp tục cung cấp tư liệu, hỗ trợ thủ tục khai thác bản quyền tác giả và các thủ tục liên quan giúp có được nội dung trưng bày hoàn thiện, thông tin và hoạt động đa dạng, phong phú, hấp dẫn du khách. 

Về phía Pháp, ông Jean-Claude Dardelet, Phó Thị trưởng thành phố Toulouse, Phó Chủ tịch Cộng đồng đô thị Toulouse khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hà Nội trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo ông Dardelet, mỗi địa phương có một thế mạnh trong bảo tồn di sản, do đó, dù di tích lịch sử đã cách chúng ta rất xa về mặt thời gian nhưng lại có thể khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn khi hai nước chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo hướng phục vụ du lịch bền vững, mang đến lợi ích cho người dân.

Ông Dardelet cho rằng Việt Nam và Pháp có chung quan điểm, tầm nhìn và tham vọng về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trên cơ sở phát triển du lịch bền vững, biến di sản thành nguồn lực công nghiệp văn hóa, để từ đó có thể cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế.