Hà Nội tăng cường kiểm soát chất lượng bánh Trung thu

Ngô Sơn
Chia sẻ Zalo

Năm nào đến dịp Tết Trung thu, vấn đề an toàn thực phẩm, bánh Trung thu nhập lậu lại khiến dư luận không khỏi bất an. Cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh bánh Trung thu có dấu hiệu nhập lậu...

Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở đang kinh doanh hàng hóa là bánh Trung thu các loại, Đội QLTT số 22 đã tạm giữ 122.100 sản phẩm bánh các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Trị giá hàng hóa trên 180 triệu đồng. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội  
Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở đang kinh doanh hàng hóa là bánh Trung thu các loại, Đội QLTT số 22 đã tạm giữ 122.100 sản phẩm bánh các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Trị giá hàng hóa trên 180 triệu đồng. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội  

Lo ngại vì bánh trung thu nhập lậu

Cách đây ít ngày, Đội Quản lý thị trường số 22 (QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 7, phòng PC03 Công an (CA) Hà Nội kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ: số 340 đường Bờ Tây Sông Huệ, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở đang kinh doanh hàng hóa là bánh Trung thu các loại, Đội QLTT số 22 đã tạm giữ 122.100 sản phẩm bánh các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Trị giá hàng hóa trên 180 triệu đồng. Hiện, vụ việc đang được Đội QLTT số 22 phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó vài ngày, cũng tại quận Bắc Từ Liêm, Đội QLTT số 22 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, CA quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện và tạm giữ 4.608 chiếc bánh Trung thu Bibizan có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu tại đường Thụy Phương, phường Đức Thắng.

Trước đó vào 9/9, Đội QLTT số 9 phối hợp với CA quận Tây Hồ tiến hành khám xe máy BKS 27B1-884.xx do lái xe là ông L.D.Đ thường trú tại xã Đăk Glao, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông điều khiển dừng đỗ bốc xếp hàng hóa tại ngõ 15 An Dương Vương, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

Qua quá trình khám đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa trên xe có 808 chiếc bánh Trung thu nhãn chữ nước ngoài, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ. Ông Đ trình bày, mua số hàng trên của một đối tượng không rõ lai lịch về để bán kiếm lợi nhuận, không có hóa đơn chứng từ. Đội QLTT số 9 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

Theo các chuyên gia, việc kiểm soát chất lượng đối với bánh Trung thu phải tiến hành từ sớm, nhất là nguyên liệu đầu vào, đến các khâu chế biến, bảo quản sản phẩm…. đều phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, đúng quy định, bởi khi đã là thành phẩm, rất khó để kiểm soát chất lượng.

Cùng với sự đa dạng về mẫu mã của các thương hiệu uy tín lâu năm, nhiều hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng đã len lỏi vào thị trường. Sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng… tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Do đó, khi lựa chọn và sử dụng, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như trên sản phẩm có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ các nội dung về thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất..., tuyệt đối không nên lựa chọn, mua sản phẩm không có thông tin về nguồn gốc sản xuất của hàng hóa.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở đã thành lập 2 đoàn kiểm tra và tăng cường kiểm tra các cơ sở trong lĩnh vực ngành quản lý. Cụ thể, Sở đã phân công các đơn vị chức năng để tổ chức các đoàn kiểm tra tất cả các cơ sở trên địa bàn.

Đặc biệt năm nay, Sở Y tế Hà Nội sẽ chú trọng kiểm tra các khách sạn từ 3 sao trở lên có sản xuất, chế biến bánh Trung thu, từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất, vệ sinh cá nhân của người sản xuất và kiến thức của người sản xuất bánh. Nếu phát hiện tồn tại và vi phạm sẽ kịp thời chấn chỉnh có giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho dịp Tết Trung thu.

Về phía Cục QLTT Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn TP, trong đó lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh Trung thu, nguyên liệu để sản xuất bánh Trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung thu thu tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì; khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh sản phẩm này.

Cùng đó, kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận; Kiểm tra hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu (vỏ và nhân bánh), bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.

Tiếp đến là kiểm tra chất lượng, đo lường, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm bánh Trung thu. Kiểm tra các quy định về giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.