Theo Kế hoạch, năm 2025, toàn TP Hà Nội phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 67MW từ điện rác, đưa tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác của TP Hà Nội đạt khoảng 129,3MW; phấn đấu tăng thêm khoảng 30MW điện mặt trời mái nhà phù hợp với chính sách phát triển của Chính phủ; khuyến khích sử dụng các sản phẩm đèn chiếu sáng có sử dụng điện năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng.
Về giải pháp, thực hiện công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực và nhận thức: tuyên truyền trên báo đài Trung ương, TP, các hình thức lồng ghép tại các sự kiện, các địa phương; xây dựng cẩm nang điện tử tuyên truyền và đăng trên các báo, tạp trí, kênh điện tử. Phối hợp và thực hiện lồng ghép tuyên truyền về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn TP Hà Nội với nội dung tuyên truyền về quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, sử dụng năng lương tiết kiệm, hiệu quả do cơ quan chức năng và các đơn vị điện lực chủ trì thực hiện.
Cùng đó, phát triển khoa học và công nghệ: Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn có thu hồi năng lượng hiện đại, hiệu suất cao để phát điện đối với các dự án đầu tư mới tại các khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP; lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà, ưu tiên phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà có hệ thống tích trữ năng lượng. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm đánh giá tác động và đề xuất giải pháp quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Hà Nội; nghiên cứu đề xuất sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch trong nông nghiệp, giao thông đô thị, chiếu sáng công cộng…
Về xây dựng cơ chế chính sách: Nghiên cứu đề xuất tiêu chí lựa chọn dự án điện mặt trời mái nhà đăng ký lắp đặt trên địa bàn TP phù hợp với chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà của Chính phủ.
Về hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, hội thảo khoa học, nghiên cứu xây dựng phòng thử nghiệm hợp chuẩn. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực, đảm bảo thực hiện xã hội hóa tối đa với các dự án năng lượng tái tạo.
UBND TP giao: Sở Công Thương chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật hiện hành; theo dõi, giám sát, kiểm tra thực hiện các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn TP; thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất giải pháp quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà. Thẩm định dự án điện năng lượng tái tạo đầu tư trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng và các quy định liên quan khác.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan đề xuất, xác định diện tích, phạm vi các khu vực, tòa nhà có điểu kiện phù hợp để phát triển các dự án điện mặt trời, hướng dẫn thực hiện xây dựng công trình xanh trong phát triển đô thị. Thẩm định theo thẩm quyền dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình có lắp đặt điện mặt trời trên mái các tòa nhà theo quy định. Chủ trì phối hợp Sở Công Thương, Sở Khoa học & Công nghệ, UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu về khả năng sử dụng điện tái tạo trong chiếu sáng công cộng.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì xác nhận số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp đối với các dự án đầu tư xây dựng phát triển điện năng lượng tái tạo trên địa bàn theo quy định. Nghiên cứu thực hiện đầu tư lắp đặt hệ thống ứng dụng năng lượng tái tạo đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo sử dụng nguồn vốn ngân sách nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn TP.