Tạo khí thế tập luyện trong Nhân dân
Nhiều năm qua, Hà Nội đã tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, thu hút đông đảo người dân khắp các quận, huyện, thị xã tham gia. Ngày chạy là sự kế thừa và phát huy tư tưởng “dân cường thì quốc thịnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với lý tưởng của phong trào Olympic thế giới. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được gắn với Lễ phát động Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng-Vì hòa bình, nhằm lan tỏa tinh thần thể thao Olympic, đồng thời thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT nói chung, môn chạy bộ nói riêng trên địa bàn.
Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, qua việc tổ chức các hoạt động thể thao từ phong trào, người dân ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của việc tập luyện TDTT, trong đó, chạy bộ là bộ môn phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực. Đáng chú ý nhất, nhiều năm qua Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Báo Hànộimới tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Lễ phát động Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 48-Vì hòa bình năm 2023 đạt kết qủa 100% quận, huyện, thị xã tổ chức ngày chạy thu hút hơn 300.000 người tham gia.
Tại SEA Games 32, Hà Nội đóng góp 161 VĐV, thi đấu giành 99 huy chương các loại, đóng góp gần 30% số lượng huy chương vàng của Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong đó, nhiều VĐV xuất sắc của Thủ đô đều xuất thân từ thể thao phong trào, bén duyên thể thao với mục đích ban đầu là rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất, tầm vóc như: Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ); Trần Hà Vi và Phan Thế Gia Hiển (aerobic); Nguyễn Thị Phương (karate)... Từ đó cho thấy, thể thao phong trào đã dần ăn sâu, bén rễ trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo bước đà mạnh mẽ để Hà Nội phát triển thể thao thành tích cao.
“Hiện nay các địa phương tiếp tục tuyển chọn những VĐV xuất sắc để thành lập đội tuyển tham gia giải chạy cấp TP diễn ra ngày 30/9. Các sự kiện được tổ chức sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu của TP là đến năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 43,5%. Đó là cơ sở để đánh giá chất lượng tập luyện TDTT trong các trường học, cơ quan, đơn vị, DN... Đặc biệt, giải chạy mang ý nghĩa vì hòa bình nên đã thu hút được rất nhiều tổ chức hữu nghị, đại sứ quán các nước tại Hà Nội tham gia hưởng ứng” – ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Ngoài những giải đấu được tổ chức ở từng quận, huyện, đơn vị đã phối hợp với các liên đoàn chuyên môn để tổ chức nhiều giải đấu phong trào khác mang lại bầu không khí sôi động, thổi “luồng gió mới” trẻ trung vào phong trào TDTT Thủ đô. Các giải đấu được tổ chức đã và đang có sức hút mạnh mẽ, tạo khí thế để Nhân dân hưởng ứng tham gia tập luyện, thi đấu, góp phần tuyển chọn những tài năng sáng giá cho các đội tuyển thể thao thành tích cao của Hà Nội.
Tăng cường sức khỏe toàn dân
Việc được đầu tư trọng tâm, bài bản và khoa học giúp người dân trên địa bàn Thủ đô có ý thức luyện tập, tham gia các hoạt động TDTT để rèn luyện sức khỏe ngày càng nâng cao, trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người, mọi nhà. Theo kế hoạch thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, thể thao Thủ đô phấn đấu đến năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu lớn về cả thể thao phong trào và thể thao thành tích cao. Trong đó, thể thao quần chúng, phong trào phấn đấu đạt tỷ lệ số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên từ 42,5% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao từ 31% trở lên.
Từ các giải đấu phong trào, người dân Thủ đô có thêm niềm hứng khởi và đó cũng là tiền đề để người dân phát huy truyền thống tốt đẹp trong tập luyện TDTT, tạo đà trong các năm tiếp phát triển mạnh mẽ ở thể thao phong trào và thể thao thành tích cao, góp phần tăng cường sức khỏe toàn dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, bên cạnh những thành quả đã đạt được, thể thao Thủ đô vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thiếu cơ sở vật chất; nhiều hoạt động thể thao phong trào còn mang tính hình thức, nặng về báo cáo thành tích; chưa khai thác đúng mục đích các công trình, thiết chế thể thao...
“Thể thao Thủ đô cần tiếp tục tạo cơ chế khai thác tiềm năng sẵn có để kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, khai thác các thiết chế cơ sở vật chất TDTT ở cơ sở, để biến mỗi điểm tập luyện TDTT là một địa chỉ chất lượng cao và có đầy đủ môi trường thuận lợi nhằm thu hút, đón người dân đến tham gia tập luyện... Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao để thu hút đông đảo người dân tham gia, qua đó thúc đẩy phong trào tập luyện ở địa phương; tăng cường đào tạo, mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thể thao cơ sở nhằm động viên phong trào phát triển rộng khắp, đi sâu vào đời sống của Nhân dân Thủ đô” - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết thêm.