Hà Nội: Tăng cường quản lý và phát triển chợ dân sinh

Đào Tuyết
Chia sẻ Zalo

Sở Công Thương cho biết, để quản lý và phát triển chợ hiệu quả, thời gian tới, đơn vị sẽ hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại TP Hà Nội làm căn cứ triển khai công tác kêu gọi đầu tư xây dựng chợ.

Việc thực hiện quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Ảnh: Tuyết Nhi  
Việc thực hiện quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Ảnh: Tuyết Nhi  

Phát triển chợ vẫn còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương, đơn vị đã tham mưu trình UBND TP ban hành các Kế hoạch, Chương trình lớn từ quý IV/2022 là cơ sở để tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch của Bộ Công thương, UBND TP Hà Nội và của Sở Công thương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023 bảo đảm tiến độ, không có việc chậm muộn.

Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Nguyên nhân là do còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp lý nên không thu hút được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, cải tạo chợ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, kinh doanh khai thác chợ.

Hiện nay, nhiều chợ xuống cấp không bảo đảm về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, văn minh đô thị... hệ thống chợ dân sinh trên một số địa bàn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân dẫn đến phát triển các tụ điểm chợ cóc ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Nam, hiện cơ chế đầu tư chợ bằng ngân sách đã được đồng ý nhưng trong quá trình triển khai, quận gặp rất nhiều khó khăn như về giá đất, tiền thuê đất... Do vậy, hiện nay quận đang cân nhắc trong xây dựng mới chợ dân sinh, vì chợ chủ yếu bán các mặt hàng nông sản, còn các hàng khác bán rất ít.

Đối với chợ truyền thống, trước 2010, quận Nam Từ Liêm đã chuyển đổi cho các hợp tác xã quản lý, nhưng hiện nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền thuê đất…

“Để tháo gỡ khó khăn trên, quận Nam Từ Liêm đưa ra cơ chế chuyển đổi, quyết định đấu thầu... Tuy nhiên, quận cũng đang kiến nghị Sở Xây dựng hướng dẫn vì có nhiều mẫu hỗ sơ đấu thầu, có thể áp dụng hình thức đấu giá tài sản công, đấu thầu liên doanh liên kết nhà nước quản lý, đấu thầu phần quản lý khai thác thôi chứ không giao đất vì hiện không được cấp giấy sử dụng đất” – ông Nguyễn Văn Nam cho hay.

Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng, hiện nay quận Long Biên mới chỉ có quy hoạch sử dụng đất, chưa có quy hoạch ngành nên việc phát triển, xây dựng hệ thống bán lẻ khó khăn.“Do vậy, quận Long Biên đề nghị Sở Công thương và các ngành liên quan xây dựng quy hoạch ngành để địa phương có căn cứ pháp lý triển khai xây dựng chợ, trung tâm thương mại. Hiện, quận Long Biên có 31 chợ nhưng chưa có quy hoạch chợ nên rất có thể có những chợ sẽ bị giải thể vì vướng quy hoạch phát triển đô thị” – ông Vũ Xuân Trường thông tin .

Kêu gọi đầu tư xây dựng chợ

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, để quản lý và phát triển chợ có hiệu quả, Sở Công thương Hà Nội đề nghị Bộ Công thương sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính Phủ về phát triển và quản lý chợ, bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý tổ chức triển khai thực hiện.

Thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội cũng tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND TP về Phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, trong đó đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo Kế hoạch năm 2023 của UBND TP và các Chương trình số 03-CTr/TU và số 04-CTr/TU của Thành ủy. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ bảo đảm đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn để phê duyệt. Hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại TP Hà Nội làm căn cứ triển khai công tác kêu gọi đầu tư xây dựng chợ.

“Chúng tôi sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn như công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, phân hạng chợ, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng tại chợ, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ…” – bà Trần Thị Phương Lan cho hay

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công thương Hà Nội cũng sẽ triển khai quyết liệt công tác giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn. Giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ trên địa bàn; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025…

Ngày 4/8 mới đây đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Tại Hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ.

Trong đó, năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Chợ truyền thống đã tồn tại và trở thành một nếp sống, một nét văn hóa đặc trưng của người dân. Chợ truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, do vậy việc quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống đương đại và cảnh quan đô thị là rất cần thiết.