Đẩy mạnh kiểm tra thuế điện tửTheo báo cáo của Cục Thuế TP Hà Nội, trong năm 2016, qua kiểm tra thuế, đơn vị đã ban hành 9.211 quyết định xử lý truy thu, thu hồi và phạt 2.106 tỷ đồng, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm trước. Cục Thuế đã thực hiện 1.197 cuộc thanh tra, số thuế truy thu, truy hoàn, xử phạt đạt 1.171 tỷ đồng. Cơ quan thuế cũng ra quyết định giảm số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 148,7 tỷ đồng. Năm 2016, Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng CNTT vào công tác thanh tra, kiểm tra để phân tích rủi ro từ khâu lập kế hoạch đến khi triển khai và kết luận. Đây là năm đầu tiên công tác thanh tra vượt kế hoạch, đạt 101,5 chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, cơ quan này còn thực hiện gói kiểm tra điện tử theo dấu hiệu rủi ro đối với trên 17.000 DN kết quả thu hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước (NSNN).
Cụ thể, trong công tác kiểm tra điện tử, cơ quan thuế Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phân tích báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế, đối chiếu chéo hóa đơn để xác định các hành vi vi phạm của DN, thông báo cho DN chủ động điều chỉnh. “Cơ quan thuế chỉ thực hiện kiểm tra tại trụ sở NNT trong trường hợp DN không điều chỉnh. Việc triển khai công tác kiểm tra điện tử được DN đón nhận một cách tích cực. Điều này cũng giúp DN tiết kiệm thời gian để tập trung cho công tác sản xuất, kinh doanh” - ông Nguyễn Thế Mạnh - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, kết quả qua công tác kiểm tra điện tử, Khối kiểm tra đã thực hiện phát hành 17.963 thông báo đến NNT, xử lý về thuế đối với 15.989 DN, thu 174,8 tỷ đồng, giảm thuế GTGT còn được khấu trừ 54 tỷ đồng, giảm lỗ 283 tỷ đồng.
Với công tác thanh tra, Cục Thuế thực hiện đổi mới phương thức, cách thức thanh kiểm tra theo rủi ro tập trung chuyên sâu hơn vào các ngành nghề lĩnh vực có rủi ro về thuế cao; thanh tra theo chuyên đề liên quan đến nhóm ngành nghề: Giá chuyển nhượng và các DN có quan hệ liên kết; Bất động sản, đầu tư tài chính, cổ phần, cổ phiếu; các DN kinh doanh vận tải taxi; dược phẩm sử dụng hóa đơn trực tiếp lớn; kinh doanh Games online, thương mại điện tử; kinh doanh nhà ở xã hội; các DN có giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng. Ngoài ra, đơn vị cũng có các chuyên đề đột xuất theo nhiệm vụ của Tổng cục Thuế: Quản lý thuế đối với đối tượng nhập khẩu xe ô tô theo hình thức quà biếu, tặng và chương trình thanh, kiểm tra điện tử trên cơ sở phân tích dữ liệu rủi ro. Qua việc tập trung thanh tra các chuyên đề để tổng hợp và đánh giá được các hành vi vi phạm phổ biến trong từng chuyên đề, từ đó đề xuất các giải pháp triển khai công tác quản lý thuế được hiệu quả hơn.
Công bằng trong thanh, kiểm tra thuế Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, qua khảo sát một số DN trong các khu công nghiệp, nhiều DN phản ánh về việc một năm họ phải đón tiếp quá nhiều đoàn thanh, kiểm tra. “Tôi đề nghị cần công bằng trong các hoạt động thanh, kiểm tra với DN, trong đó có thanh, kiểm tra lĩnh vực thuế. Thực tế, có ý kiến DN phàn nàn rằng, DN càng tốt, càng chấp hành nghiêm túc pháp luật thì càng hay bị kiểm tra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Với lĩnh vực thuế, tôi đề xuất ngành thuế nên có những quản lý thuế công bằng, có sự phân biệt giữa DN làm ăn chân chính và DN chây ỳ bằng cách khuyến khích DN chấp hành tốt nghĩa vụ thuế và có các chế tài mạnh với DN rủi ro, trốn thuế, hướng tới sự công bằng mà vẫn đảm bảo thu đúng, thu đủ”- vị đại diện này nói.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho hay, cơ quan thuế kiểm tra, phân tích rủi ro rất kỹ trước khi ra quyết định thanh tra. “Những đơn vị đưa vào thanh, kiểm tra đều có sai phạm, rủi ro. Ngoài ra, Hà Nội còn áp dụng việc gửi thư ngỏ cảnh báo cho DN trước, nên không có việc DN bị thanh, kiểm tra sai đối tượng” - ông Mạnh khẳng định. Ngoài ra, trong năm 2016, ngành thuế Hà Nội dã áp dụng kiểm tra điện tử với hàng chục nghìn DN. Theo đó, cơ quan thuế không đến trực tiếp DN kiểm tra mà thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phân tích báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế, đối chiếu chéo hóa đơn để xác định các hành vi vi phạm của DN, thông báo cho DN chủ động điều chỉnh. Với các DN sai phạm không chủ động điều chỉnh sau thông báo, cơ quan thuế sẽ đến trực tiếp trụ sở DN kiểm tra, tuy nhiên, thời gian kiểm tra không quá 3 ngày. Với công tác thanh tra, thực hiện trong vòng 10 ngày và tối đa không quá 30 ngày.
Nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017, dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Vì thế, cơ quan thuế Hà Nội xác định công tác thanh tra chống thất thu thuế được xác định hết sức quan trọng và nặng nề. Trong công tác thanh, kiểm tra, cơ quan thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào các bước thanh tra; nâng cao trách nhiệm từng cán bộ, nhất là người đứng đầu các đoàn và các phòng; tăng cường giám sát các đoàn, cuộc thanh, kiểm tra đảm bảo đúng thời gian quy định, bảo đảm chứng cứ sát thực, chuẩn xác.