Song vấn đề đặt ra là cán bộ làm công tác quy hoạch kiến trúc tại các địa phương hiện đang vừa thiếu, vừa yếu dẫn tới những khó khăn trong thực hiện.
Tăng tính chủ động cho các quận huyện
Mới đây TP Hà Nội ban hành Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong đó nổi bật là những quy định việc phân cấp, phân quyền cho các quận huyện trong thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, thiết kế đô thị, cắm mốc giới; lập, thẩm định, phê duyệt, ban hành danh mục các công trình kiến trúc có giá trị, quy chế quản lý kiến trúc; quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch…
Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho hay, trước đây TP đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến công tác quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các địa phương trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Với những quy định mới tại Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND vừa được ban hành vào cuối năm 2023 sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực của chính quyền địa phương và các đơn vị trực thuộc UBND TP, từng bước hoàn thiện bộ máy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền của Thành phố.
“Việc giao hoặc ủy quyền cho cơ quan, đơn vị được thực hiện trên nguyên tắc linh hoạt. Một việc có thể nhiều đơn vị tham gia thực hiện, nhưng cũng có những việc chỉ giao cho đơn vị có khả năng thực hiện hiệu quả…” - ông Nguyễn Bá Nguyên nêu.
Dưới góc độ quản lý, thực hiện trực tiếp tại địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải cho biết, theo quy định mới đối với đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị riêng, hồ sơ cắm mốc giới thuộc trách nhiệm tổ chức lập của UBND cấp huyện, cấp xã, căn cứ các quy định hiện hành, yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, UBND cấp huyện xây dựng danh mục, kế hoạch thực hiện trong 5 năm và hàng năm bằng nguồn vốn ngân sách cấp huyện; lấy ý kiến của Sở QH - KT trước khi ban hành quyết định phê duyệt danh mục kế hoạch (hoặc điều chỉnh, bổ sung danh mục, kế hoạch lập quy hoạch)…
Như vậy, với việc phân cấp như trên, UBND cấp quận hoàn toàn chủ động trong việc tổ chức thực hiện các quy hoạch có liên quan phục vụ cho công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc tại địa phương, rút ngắn được rất nhiều về thời gian so với trước đây phải chờ Sở QH - KT rà soát, tổng hợp theo định kỳ, báo cáo UBND TP phê duyệt danh mục.
Ngoài ra, về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, UBND cấp quận được phân cấp phê duyệt các dự án do quận làm chủ đầu tư hoặc dự án sử dụng vốn ngân sách của địa phương, dự án thuộc địa giới hành chính một quận, huyện, thị xã trong khu vực phát triển đô thị… Như vậy, thời gian thực hiện dự án cũng sẽ được rút ngắn.
Sớm bổ sung, đào tạo cán bộ
Để thực hiện quy định mới về phân cấp quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn TP Hà Nội, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý đô thị tại 30 quận huyện phải có hiểu biết chuyên sâu, chuyên ngành. Trong khi đó, nhiều địa phương hiện khối lượng công việc lớn nhưng vẫn còn thiếu cán bộ, kiến trúc sư có kinh nghiệm, điều này đã gây ra những khó khăn nhất định.
Ông Hoàng Minh Hải chia sẻ, không chỉ ở quận Nam Từ Liêm mà nhiều quận huyện khác trên địa bàn TP số lượng nhân sự có trình độ chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng giao thông đang rất thiếu và yếu, chưa đáp ứng được công tác quản lý.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Long Biên Hoàng Hải cũng cho hay, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc, Luật Xây dựng đều là những luật chuyên ngành rất khó, để quản lý theo đúng các quy định của luật thật sự là khó khăn đối với cơ quan cấp quận, do vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ đô thị tại các quận huyện là việc thực sự cần thiết.
Theo tổng hợp hiện trạng tổ chức, thành phần cán bộ chuyên môn của các huyện trên địa bàn TP Hà Nội vào tháng 4/2023, có quận Bắc Từ Liêm và 6 huyện gồm Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Ba Vì đang thiếu kiến trúc sư, đặc biệt huyện Thạch Thất chỉ có 1 kỹ sư hạ tầng. Việc thiếu nhân sự đã gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch và giao thông trên địa bàn quận, huyện được phân cấp.
Như vậy, các quy định về xây dựng quy chế quản lý, phương án kiến trúc, danh mục các công trình có giá trị… được quy định cụ thể, rõ hơn, cùng với yêu cầu quản lý cao hơn. Yêu cầu này chắc chắn đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương. Do đó, để thực hiện tốt việc phân cấp quản lý phải tăng cường năng lực, bổ sung cán bộ và hoàn thiện các đồ án quy hoạch và quy định quản lý kèm theo. Làm tốt hai nội dung này, tiến độ công việc và hiệu quả sẽ bảo đảm theo đúng yêu cầu phân cấp.