Hà Nội: tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động phòng, chống thiên tai
Kinhtedothi - Năm 2024, thiên tai diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Mùa mưa bão năm 2025 đang đến gần, việc chủ động các giải pháp ứng phó là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra.
Thiên tai diễn biến phức tạp
Mùa lũ năm 2024 là một mùa lũ đặc biệt đối với các sông trong khu vực Hà Nội. Hầu hết các sông chính xuất hiện 4 - 6 trận lũ, trong đó có 1 trận lũ đặc biệt lớn trong gần 20 năm qua.
Gần cuối tháng 5/2024, các sông trên khu vực Hà Nội xuất hiện dao động nhỏ. Cuối tháng 6, 7 và đầu tháng 8, các sông trên khu vực đều xuất hiện lũ vừa và nhỏ, với biên độ lũ lên từ 1,50 - 3,8m; đỉnh lũ trên các sông tiến gần đến báo động 1.
Do ảnh hưởng của mưa lớn trên khu vực từ hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi) và các hồ thủy điện tuyến trên mở xả điều tiết lũ, từ ngày 5 - 15/9/2024 xuất hiện lũ lớn trên các sông khu vực Hà Nội.

Thiên tai năm 2024 ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân Thủ đô.
Tại các trạm thuỷ văn Trung Hà, Sơn Tây, Hà Nội, Thượng Cát, biên độ lũ lên từ 8,03 - 9,49m. Các sông nhỏ như sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Cà Lồ xuất hiện 4 - 6 trận lũ. Mực nước đỉnh lũ trên báo động 3 với thời gian lũ cao kéo dài.
Ngoài ra, trong năm 2024, khu vực Hà Nội còn chịu ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai khác như ngập lụt, lũ rừng ngang, sạt lở đất, sét, giông lốc, cháy rừng tự nhiên, động đất...
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, mặc dù tình hình thiên tai, sự cố diễn ra phức tạp, tuy nhiên với tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, Hà Nội đã giảm thiểu được tối đa thiệt hại về người, tài sản; đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi trước đợt lũ lịch sử.
Các ảnh hưởng thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng, cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống điện… được khắc phục khẩn trương, hiệu quả. Công tác phục hồi, tái thiết, hỗ trợ ổn định, đảm bảo đời sống Nhân dân được quan tâm và có sự tham gia tích cực của toàn dân.
Chủ động ứng phó theo tinh thần "4 tại chỗ"
Theo nhận định của Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết thủy văn năm 2025 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, rét hại, nắng nóng gay gắt.
Mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn có thể gây ngập úng cục bộ tại các khu đô thị, vùng trũng thấp; lũ lớn, lũ muộn gây tình trạng ngập lụt ven sông Bùi, sông Tích, sông Đáy thuộc một số huyện ngoại thành Hà Nội…
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, hiện nay, đã bắt đầu bước vào mùa lũ, mưa, bão. Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, Ban Chỉ huy đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và TP Hà Nội trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan với mục tiêu đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, diễn tập kiến thức, kỹ năng cho người dân, cán bộ chính quyền các cấp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng, phê duyệt, sẵn sàng triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định.
Cùng với đó, cần chủ động chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông.
Trích dẫn
“Các sở, ban, ngành, các địa phương khẩn trương củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên bộ máy chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các ngành, các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quy định hiện hành và phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP Hà Nội...” - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Duy Du.

Hà Nội chuyển đổi công tác phòng, chống thiên tai đáp ứng mô hình tổ chức hành chính mới
Kinhtedothi - Sở Nông nghiệp và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng dự thảo kế hoạch chuyển đổi công tác phòng, chống thiên tai đáp ứng mô hình tổ chức hành chính mới.

Cảnh báo nguy cơ thiên tai ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ từ tháng 5/2025
Kinhtedothi - Trong tháng 5 - 7/2025, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tác động đến đất liền nước ta. Trên các sông nhỏ, thượng nguồn hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng xuất hiện các đợt lũ ngay từ tháng 5 này.

Xuất cấp vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia để phục vụ phòng, chống thiên tai
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 724/QĐ-TTg ngày 6/4/2025 về việc xuất cấp vật tư, thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia năm 2025 cho các Bộ, địa phương và điều chỉnh số liệu tại Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 31/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ.