Hà Nội tập trung cải thiện hệ thống giao thông

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang tập trung toàn lực cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao năng lực của mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), nhằm tạo trợ lực mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội bứt phá.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo về vấn đề này.

Hà Nội tập trung cải thiện hệ thống giao thông - Ảnh 1
 Đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng dự kiến thông xe trong năm 2022

Xin ông cho biết vài nét khái quát về hệ thống hạ tầng giao thông và mạng lưới VTHKCC của Hà Nội?

- Khái quát chung thì Hà Nội có 7 tuyến Vành đai (5 vành đai đô thị; 2 vành đai liên vùng); 9 tuyến cao tốc; 11 trục hướng tâm; 18 cầu vượt sông Hồng, 8 cầu vượt sông Đuống; 20 trục chính đô thị chủ yếu (11 trục phía Bắc sông Hồng; 9 trục phía Nam sông Hồng); 08 trục đô thị thứ yếu. Đường sắt đô thị (ĐSĐT) của TP có 10 tuyến (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh); tổng chiều dài 417,8 km.

Mạng lưới VTHKCC đã có những bước tiến mạnh mẽ với 154 tuyến (132 tuyến được trợ giá), phổ cập đến tất cả quận, huyện trên địa bàn TP. Đặc biệt đã có tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh và nhiều tuyến buýt sử dụng năng lượng sạch đi vào hoạt động. Khả năng đáp ứng thực tế của mạng lưới xấp xỉ 30%. Dự kiến tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được đưa vào khai thác trong vài tháng tới, nâng cao đáng kể năng lực VTHKCC.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư đến đâu thưa ông?

- Hiện Hà Nội đã từng bước đầu tư, hình thành 5 tuyến đường vành đai đô thị với 87,73/163,96Km (tương ứng với 53,50%); 20,57km đang trong quá trình triển khai thi công (tương ứng với 12,55%); còn lại 55,66km (tương ứng với 33,95%) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Một dự án đặc biệt quan trọng được Hà Nội tập trung cao độ là tuyến đường liên vùng Vành đai 4 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang chuẩn bị giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công trong năm 2023.

Mặt khác, 7/9 tuyến đường cao tốc kết nối Thủ đô với các tỉnh, TP khác đã hoàn thành; chỉ còn lại hai tuyến: Nội Bài - Hạ Long; Tây Bắc - QL5 chưa được triển khai. Hệ thống đường hướng tâm đã hình thành được 8/11 trục; 3 trục còn lại đang triển khai đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư ( gồm: Đường Trục phía Nam; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên).

Ngoài ra, đã hoàn thành 9/18 cầu vượt sông hồng, 4/8 cầu vượt sông Đuống. Đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cầu còn lại để đồng bộ với các tuyến đường Vành đai, cao tốc, trục chính đô thị.

Hà Nội tập trung cải thiện hệ thống giao thông - Ảnh 2
 Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo

Cụ thể thì Hà Nội đang làm những gì để hướng tới mục tiêu có hạ tầng giao thông triển đột phá thưa ông?

- Nhiều năm qua, và đặc biệt trong giai đoạn trước mắt, cùng với Nhân dân thủ đô, Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội cũng như các sở, ban ngành liên quan đã không ngừng nỗ lực, tích cực chủ động để mở rộng, nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng giao thông. Khẩn trương hoàn thành phê duyệt, điều chỉnh các đồ án quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch ngành quốc gia cũng như quy hoạch vùng.

Hà Nội đã triển khai một cách rất cụ thể, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ giải pháp đã được xác định tại Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thu đổ Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đó là: tập trung đầu tư hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2; khởi công 5 cầu: Thượng Cát, Vân Phúc, Hồng Hà; Mễ Sở, Đuống 2; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cầu: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo.

Hoàn thành, đưa vào khai thác trong giai đoạn này các công trình: Tuyến ĐSĐT số 3; nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc; Hầm chui Kim Đồng; nút giao Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long; đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành Đai 3.  

Khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn bị điều kiện cho giai đoạn 2026 -2030 các công trình: Vành đai 4; QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Láng - Hòa Lạc kéo dài; QL21 Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai; QL32 đoạn Sơn Tây - Trung Hà; Vành đai 3,5; đường trục Mỹ Đình - Bái Đính - Ba Sao….

Các công trình này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thiện các trục giao thông kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh toàn khu vực với Hà Nội là hạt nhân trung tâm. Qua đó cụ thể hoá định hướng của Đảng và Nhà nước, lấy phát triển hạ tầng giao thông làm một trong ba khâu đột phá.

Đối với mạng lưới VTHKCC, Hà Nội sẽ tập trung vào những vấn đề gì trong giai đoạn này thưa ông?

- VTHKCC của Hà Nội được giao nhiệm vụ, đến năm 2030 phải đáp ứng tối thiểu 40% nhu cầu đi lại của người dân. Để đạt được mục tiêu lớn đó, TP đang tập trung vào 7 nhóm giải pháp lớn.

Thứ nhất là hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch xe buýt. Thứ hai là mở rộng mạng lưới tuyến, bao gồm cả xe buýt, tàu điện; quảng bá rộng rãi lợi thế của VTHKCC nhằm thu hút người dân. Thứ ba là tăng cường tính gắn kết trong mạng lưới giữa các tuyến xe buýt thường với buýt nhanh, ĐSĐT. Thứ tư là thường xuyên rà soát mạng lưới, loại hình phương tiện VTHKCC để điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý.

Thứ năm là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, ưu tiên phát triển VTHKCC, đặc biệt là các loại hình vận tải nhanh, khối lượng lớn. Xây dựng bản đồ số trực tuyến mạng lưới VTHKCC; thẻ vé thông minh, liên thông các phương thức VTHKCC… tối ưu hóa chuyến đi cho hành khách. Thứ sáu là hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực GTVT cho ĐSĐT, thẻ vé thông minh, xe buýt nhanh, buýt “sạch”, xe điện một ray...

Thứ bảy là xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức TOD nhằm khai thác tối đa quỹ đất tại các nhà ga ĐSĐT để tạo nguồn vốn đầu tư cho chính ĐSĐT cũng như mạng lưới hạ tầng, VTHKCC nói chung của TP.

Mỗi nhóm giải pháp đều có tính chất khác nhau. Vậy hiệu quả chúng mang lại có thể khái quát như thế nào thưa ông?

- Tựu chung lại chiến lược phát triển GTVT của Hà Nội trong 10 năm tới sẽ bao gồm 6 nhóm giải pháp có tính chất khác nhau. Thứ nhất là nhóm giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài: Huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Thứ hai là nhóm giải pháp thường xuyên: Tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có.

Thứ ba là nhóm giải pháp quan trọng vừa phát triển mạng lưới VTHKCC, vừa giảm dần phương tiện cá nhân. Trong đó tiên quyết phải phát triển đồng bộ các loại hình VTHKCC, tập trung vào ĐSĐT và xe buýt.

Thứ tư là nhóm giải pháp mang tính đột phá: Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành giao thông, xử lý vi phạm trật tự, ATGT. Thứ năm là nhóm giải pháp căn bản và lâu dài: chú trọng tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về ATGT, xây dựng văn hóa giao thông. Thứ sáu là nhóm giải pháp thường xuyên: Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực GTVT.

Xin cảm ơn ông !