Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã trực tiếp xuống hiện trường cùng các lực lượng liên quan chỉ đạo công tác cứu hộ với tinh thần khẩn trương nhất.

Vào khoảng 12h45’ ngày 22/9, căn nhà số 107Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bất ngờ đổ sập, hàng chục người đã may mắn chạy thoát nhưng còn một số nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát…
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 1
Căn nhà số 109 Trần Hưng Đạo đổ sập.
Một số nhân chứng gần khu vực cho biết, cùng thời điểm bất ngờ nghe âm thanh lớn, khi nhìn sang căn nhà thì thấy đổ sập. Ngay sau đó thông tin được báo cho các lực lượng chức năng.

Video mới nhất của vụ sập:
Ngay sau đó, lực lượng PCCC, cứu hộ cứu nạn đã có mặt tại hiện trường. Lực lượng cảnh sát di tản những người xung quanh ra xa hiện trường vì hai phía của ngôi nhà đang có nguy cơ đổ sập.
 
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 2
 
Khoảng 13h20’: Nạn nhân đầu tiên được ra khỏi đống đổ nát. Nạn nhân tên Huyền, đi mua hoa quả ngang qua khu nhà, vào xin vệ sinh nhờ. Nạn nhân Huyền trên người dính nhiều máu vừa được đưa ra khỏi đống đổ nát. Nạn nhân này cho biết, trong đống đổ nát còn nhiều người mắc kẹt, vì phía sau ngôi nhà này là một chợ cóc.
Tại hiện trường, khoảng 13h40’, nạn nhân tên Trần Thị Sửu (55 tuổi) vừa được cứu ra khỏi đống đổ nát, cho biết: Tôi đang đứng trong nhà thì sập xuống, bị thương ở chân. Bị gạch vữa đè lên người. Ba mẹ con bị mắc kẹt trong nhà. Cháu nhỏ nhất 7 tuổi. Cháu thứ 2 học đại học. Trước đó có hiện tượng rung lắc. Còn nhiều người mắc kẹt vì đang giờ buổi trưa.
Một số hình ảnh hiện trường và công tác cứu hộ vụ sập nhà số 109 Trần Hưng Đạo
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 3

 
14h: Phóng viên Đông Phong cho biết, hiện lực lượng chức năng đang tập trung mọi lực lượng để cứu nạn. Thông tin từ phía người dân, hiện còn 3 người trong ngôi nhà bị sập,… Các tuyến đường Yết Kiêu, Lê Duẩn, Phan Bội Châu và các hướng tập trung về phố Trần Hưng Đạo đều bị cấm để tạo điều kiện cho lực lượng cứu hộ.
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 4

Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 5

Xe của công ty vệ sinh môi trường liên tục được điều động đến để di chuyển phần phế liệu.
Xem video vụ sập nhà:
Khoảng 14h15:  Lực lượng chức năng đã chuyển 3 nạn nhân đến Bệnh viện Việt Đức (trong đó, bước đầu xác định là Nguyễn Văn N (SN 1971) ở Văn Lâm, Hưng Yên; bà Tào Thị H, SN 1965 ở Kim Bài, Thanh Oai); chuyển cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai là 1 nạn nhân nữ 60 tuổi…
Theo chị Tuyết, bán hoa quả vừa thoát chết trong gang tấc cho biết: Tôi nghe thấy tiếng rào rào thì vội chạy ra ngoài và sau đó đổ sập. Tôi không nghe thấy tiếng nổ nào. Ngôi nhà chắc là tự sập...

14h30: Ghi nhận của phóng viên, các cửa hàng dọc tuyến phố khu vực hiện trường vụ đổ nhà đều được yêu cầu đóng cửa để thuận tiện cho lực lượng cứu hộ cứu người. Vẫn còn người mắc kẹt trong đống đổ nát. Ban đầu xác định, căn nhà bị sập là nơi làm việc của Ban quản lý Dự án đường sắt.
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 6

Máy xúc, máy ủi cũng được điều đến hiện trường tham gia cứu hộ.

 
14h40: Theo thông tin mới nhất, hiện tại có 4 nạn nhân được đưa đi cấp cứu. Do khu vực nhà sập là ngõ nhỏ nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Các xe cứu hộ không tiếp cận sâu bên trong. Do đó, các lực lượng chức năng đứng thành hàng, tạo dây chuyền để vận chuyển vật liệu đào bới được ra bên ngoài..

 
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 7

Chị Tuyết mặc áo mưa, vừa thoát chết kể lại vụ việc.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ sập nhà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã trực tiếp xuống hiện trường cùng đại diện các lực lượng liên quan chỉ đạo công tác cứu hộ với tinh thần khẩn trương nhất.
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 8
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo công tác cứu hộ tại hiện trường.
Theo văn bản báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, ngôi nhà 107 phố Trần Hưng Đạo là nơi làm việc của Tổng cục Đường sắt Việt Nam. Tòa nhà xây từ thời Pháp, có 3 khối; trong đó phần bị sập là khối 2, là hội trường được xây hình mái vòm, độ cao tương đương 3 tầng, diện tích khoảng 300m2. Hai bên hội trường có hành lang lửng được bố trí là nơi làm việc của cán bộ, nhân viên. Bước đầu xác định, khối 1 và khối 3 của tòa nhà chỉ chịu tác động vỡ một số cửa kính... 30 nhân viên của Tổng công ty đường sắt đang làm việc tại đây đã được cứu hộ ra ngoài an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh khu vực đổ sập là các nhà dân nên đã làm 3 người bị thương, một số ô tô bị đè bẹp.

Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 9

Lực lượng chức năng cứu hộ tại hiện trường
 
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 10

Xe cứu thương đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu.

14h45’: Phóng viên Nga Diệu ở Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện này tiếp nhận 4 bệnh nhân cấp cứu, trong đó có 2 người bị gãy chân, 1 người được chuyển đi bệnh viện khác do chỉ bị thương nhẹ. Trong đó, một nạn nhân bị thương nghiêm trọng đang nằm theo dõi tại bệnh viện.
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 11

Cấp cứu nạn nhân tại bệnh viện Việt- Đức

Đến 15h05: Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận thêm một nạn nhân nữ hơn 50 tuổi vừa được chuyển đến trong tình trạng hôn mê. Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã tiếp nhận 5 nạn nhân trong vụ sập nhà. Trường hợp thứ 5 vừa tiếp nhận, các bác sĩ đánh giá là trường hợp nguy kịch; sau 10 phút nhập viện, các bác sĩ vẫn đang tiến hành ép tim cấp cứu tích cực…

Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo, bằng mọi biện pháp cấp cứu người bị nạn. 6 xe cấp cứu 115  đã được huy động.

Khoảng 15h18’:  Thêm một nạn nhân được cứu ra khỏi đống đổ nát. Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục cứu nạn bằng mọi biện pháp. Các xe máy ủi, máy xúc tiến vào ngách bên phải của tòa biệt thự để tiến hành giải phóng đống đổ nát.

15h25': Bệnh viện Việt Đức xác nhận, nạn nhân thứ 5 mới chuyển đến do bị thương quá nặng nên đã tử vong. Ban đầu, nạn nhân được xác định tên là Lê Thị Hường, hiện nạn nhân đang được chuyển xuống nhà xác của bệnh viện.

Ban đầu, danh tính các nạn nhân trong vụ sập nhà được xác định gồm: 1. Nguyễn Văn Nức (SN 1971, trú Việt Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên); 2. Tào Thị Hiện (SN 1965, trú Thanh Oai, Hà Nội) - cả 2 đều bị thương tích ở chân; 3. Vũ Thị Thu Hằng (SN 1978, trú tại 107 Trần Hưng Đạo) bị chấn thương sọ não; 4. Nguyễn Thị Tiêu (SN 1951, chưa rõ hộ khẩu thường trú) bị tường đổ vào người; 5. Lê Thị Hường là người bán rau tại khu vực tầng 1 tòa biệt thự bị sập, chưa rõ hộ khẩu thường trú; đã tử vong…

Tại khu vực nhà xác bệnh viện, cháu của nạn nhân Lê Thị Hường cho biết, chị Lê Thị Hường (46 tuổi, quê ở Thường Tín) bán rau và thuê nhà trên Hà Nội, có 2 người con, chồng sinh năm 1968, chị H có 2 con sinh năm 1993 và 1996.

Theo bác sĩ Ninh Việt Khải phụ trách cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, nạn nhân xấu số là chị Lê Thị Hường mất trước khi được đưa vào Bệnh viện.  Hiện tại, trong số các nạn nhân còn lại, một bệnh nhân đang trong tình trạng sốc nặng, vỡ xương chậu, đã được truyền 4 đơn vị máu (khoảng 1 lít máu) và trong tình trạng khó tiên liệu. Một bệnh nhân đang được cấp cứu. Còn một bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện Xanh - Pôn để giảm tải cho bệnh viện Việt Đức.

Được biết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo những bệnh viện tham gia cấp cứu nạn nhân tăng cường tối đa nguồn lực, thuốc men cho các nạn nhân.
16h45: Máy xúc được đưa ra khỏi hiện trường để lực lượng bộ đội đưa máy dò vào rà soát tìm kiếm người còn bị mắc kẹt. Sau 20 phút dò tìm, lực lượng chức năng không phát hiện điều gì khả nghi nên lại đưa máy xúc trở lại hiện trường để phá những tấm bê tông lớn, tiếp tục tìm kiếm nạn nhân.
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả vụ sập nhà - Ảnh 12

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng tại hiện trường.Ảnh: Báo Xây dựng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng có mặt tại hiện trường cho biết: Hướng giải quyết sắp tới là tiếp tục đào bới và đưa những người bị thương ra ngoài. Thứ 2 là khoanh vùng và hạn chế cấm đi lại trong tầm ảnh hưởng của biệt thự. Thứ 3 là tháo dỡ phần đổ vỡ. Thứ 4 là kiểm định lại các kết cấu còn lại.

Khoảng 17h30, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội xuống hiện trường vụ sập nhà chỉ đạo công tác tìm kiếm.

Lực lượng cứu hộ tiếp tục công tác tìm kiếm nạn nhân, xe cấp cứu lùi sâu vào nách biệt thự số 107. Cáng được chuyển vào hiện trường vụ sập biệt thự.

CATP cũng đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tìm kiếm các nạn nhân, đồng thời phối hợp khám nghiệm hiện trường, tổ chức điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ, xác định nguyên nhân vụ sập nhà.

17h45: Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm một nạn nhân nữa trong đống đổ nát. Nạn nhân được xác định là nữ, bán điện thoại gần khu vực xảy ra sự cố.

Sau đó, xe cấp cứu đã đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường. Nạn nhân được xác định là Lê Thị Nga (SN 1979, hộ khẩu thường trú tại Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng).

18h10: Theo tin từ BV Đa khoa Xanh pôn, bệnh nhân Đào Thị Hiện (sinh năm 1965 ở Kim Bài, Thanh Oai) sau khi được chuyển từ BV Hữu nghị Việt-Đức đến đây đã được các bác sĩ kiểm tra, tiến hành chụp phim hiện chưa phát hiện bệnh nhân có tổn thương ở não. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi sức khoẻ bệnh nhân. Được biết, bệnh nhân này là người bán cá ở dưới khu vực cầu thang khu nhà sập.

Tại BV Bạch Mai, Phòng cấp cứu khoa ngoại đã tiếp nhận 2 bệnh nhân Nguyễn Thị Huyền (27 tuổi, trú tại Võng Thị, Tây Hồ) và Nguyễn Thị Tiêu (51 tuổi, trú 107 Trần Hưng Đạo). Trong đó nạn nhân Tiêu bị chấn thương hàm mặt, theo dõi chấn thương sọ não kèm theo gãy xương cẳng chân, bàn chân. Bệnh nhân đang được tiến hành chụp chiếu và đợi kết quả. Còn nạn nhân Huyền, tình trạng sức khoẻ đã tạm ổn định và tỉnh táo.

Tại BV Hữu nghị Việt-Đức vẫn để trống 1 bàn mổ sẵn sàng dành cho bệnh nhân cấp cứu mổ trong vụ sập nhà này.

Ngay sau khi nhận thông tin vụ sập nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)  đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phối hợp với Bệnh viện Hữu Nghị Việt- Đức và các Bệnh viện T.Ư trên địa bàn TP để nhanh chóng xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn; tăng cường tối đa nguồn lực, thuốc men hỗ trợ cấp cứu, điều trị cho các nạn nhân; tổng hợp cập nhật diễn biến tình hình, ý kiến đề xuất, kiến nghị gửi về Cục để báo cáo.

Đến 18h30, Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (PC54), Công an TP Hà Nội xác nhận nạn nhân Trần Thị Nga (SN 1979, hộ khẩu thường trú tại Bạch Đằng, Hà Nội) được tìm thấy cuối cùng đã tử vong...

Liên quan đến vụ việc, Quận ủy, HĐND, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân tại bệnh viện và hỗ trợ ban đầu cho người bị thương 1,5 triệu đồng/người và người chết 5 triệu đồng/người. 

Quận Hoàn Kiếm đang tích cực chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục khắc phục hậu quả.