Trong đó 6 tháng qua, TP Hà Nội đã ban hành tổng cộng 29 văn bản QPPL, trong đó có 17 quyết định của UBND TP và 12 nghị quyết của HĐND TP. Cùng với ban hành các quyết định liên quan công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong giai đoạn 2016 - 2017 và trong năm 2017, UBND TP cũng ban hành quyết định công bố danh mục văn bản QPPL do HĐND-UBND TP ban hành đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần, với 83 văn bản, gồm: 77 văn bản (6 nghị quyết, 71 quyết định) hết hiệu lực toàn bộ; 6 văn bản (2 nghị quyết, 4 quyết định) hết hiệu lực một phần.
Giải đáp cho người dân về quy định, thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm). |
Bên cạnh đó mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập tổ công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của TP gồm 30 thành viên đại diện các sở, ngành TP do Sở Tư pháp làm thường trực. Theo kết quả rà soát, tổng số có 406 văn bản QPPL của HĐND-UBND TP còn hiệu lực (gồm 79 nghị quyết và 327 quyết định); có 60 văn bản QPPL của HĐND-UBND TP cần bãi bỏ (gồm 1 nghị quyết và 58 quyết định); số văn bản hết hiệu lực toàn bộ là 21 quyết định; số văn bản hết hiệu lực một phần là 2 quyết định. Cùng với đó, theo lãnh đạo UBND TP, cải cách thể chế nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP. Vì vậy, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhằm xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; tạo thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích các sáng kiến cải cách nhằm rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung thủ tục hành chính; tạo đột phá về thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Điển hình vừa qua, UBND TP đã ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn năm 2017, kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 05 của Hội nghị T.Ư 4 về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, kế hoạch về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP, chương trình xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch TP Hà Nội năm 2017…Từ nay đến cuối năm, Hà Nội đặt ra một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách thể chế là chú trọng ban hành mới các văn bản QPPL, bãi bỏ, sửa đổi văn bản QPPL hết hiệu lực hoặc không phù hợp theo thẩm quyền, tập trung vào các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, đô thị, giao thông, xây dựng, môi trường. Đồng thời, đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi các văn bản QPPL không phù hợp của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư.