Hà Nội tập trung phục hồi tăng trưởng kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 8 tháng qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Nội đã đạt được một số kết quả kinh tế quan trọng, các chỉ tiêu kinh tế đều khả quan.

Công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng cao

Theo đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 8 tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng, chỉ số này đã tăng 7,1% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ như: Vải dệt kim tăng 20,2%; Giấy, bìa dùng để viết và in tăng 164,8%; Tủ lạnh tăng 44,1%; Phụ tùng xe có động cơ tăng 18%; Phụ tùng mô tô, xe máy tăng 21%; Điện thương phẩm tăng 7,6%...

“Sau thời gian dài trì trệ do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp của Hà Nội đã phát triển tương đối ổn định, với nhịp độ tăng trưởng khả quan. Qua đó, phản ánh tín hiệu lạc quan của sản xuất công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung” - Cục Thống kê Hà Nội đánh giá. Đồng thời, dự báo trong những tháng tới, sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP vẫn tiếp tục ổn định và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước.
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty Xích líp Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty Xích líp Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
Báo cáo của Cục Thống kê cũng ghi nhận đà tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực như vốn đầu tư phát triển tăng 10,7%; Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,5%, trong đó tổng mức bán lẻ đạt 325.427 tỷ đồng, tăng 8,4%…

Sau khi tăng nhẹ trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Hà Nội giảm nhẹ chủ yếu do tác động của nhóm giao thông, nhóm hàng ăn uống… Đến tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt 10,3%, trong khi huy động vốn tăng 5,5%; môi trường đầu tư cũng có chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư trong nước…

Nâng chất lượng tăng trưởng

Trong những tháng cuối năm, do ảnh hưởng khách quan của tình hình kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại trong nước, thiên tai, bão lũ, thời tiết diễn biến phức tạp… sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu trên địa bàn… Để đẩy nhanh tăng trưởng và phát triển kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 8,5 - 9,5% đã đề ra, TP tiếp tục triển khai các đề án như chương trình tháo gỡ khó khăn cho DN trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể: Đẩy mạnh các chương trình liên kết vùng tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến DN: Đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan… theo hướng tăng cường một cửa liên thông, hướng tới “một cửa liên thông điện tử”. Đồng hành, hỗ trợ DN thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với những cam kết quốc tế trong các lĩnh vực…

Cùng với đó, việc quản lý đô thị cũng được triển khai tích cực. Hà Nội đẩy mạnh đầu tư phát triển, với việc hợp tác đầu tư từ dòng vốn FDI và vốn trong nước, phần lớn nguồn vốn rót vào các dự án hạ tầng đô thị và bất động sản. Nhiều dự án được triển khai như giao thông công cộng, vui chơi giải trí. TP cũng chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án viễn thông, giáo dục, y tế, hạ tầng nước… Đây chính là cơ sở để Hà Nội thúc đẩy thị trường bất động sản và hoạt động kinh doanh, du lịch và thu hút đầu tư đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, TP cũng tích cực sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải; Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, định hướng vào những lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp “xanh” và các lĩnh vực công nghệ... Triển khai các biện pháp để công tác chỉ đạo điều hành của TP quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả cao hơn, toàn diện hơn, nhất là những lĩnh vực, nhiệm vụ, chỉ tiêu chưa đạt hoặc tốc độ tăng chậm.