Hà Nội thành lập, kiện toàn 3 ban chỉ đạo

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã ký ban hành các quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thành lập và kiện toàn 3 ban chỉ đạo quan trọng.

 
Theo Quyết định số 401-QĐ/TU về kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp), đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy là Trưởng ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Quang Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP là Phó Trưởng ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP Hà Nội còn có 18 ủy viên.
Theo Quyết định số 402-QĐ/TU về kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 và Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy là Trưởng ban Chỉ đạo; đồng chí Vũ Đức Bảo - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy và đồng chí Nguyễn Quang Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy là các Phó Trưởng ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo còn có sự tham gia của 16 ủy viên.
Theo Quyết định số 403-QĐ/TU, Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025. Ban Chỉ đạo gồm 16 thành viên. Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy là Trưởng ban Chỉ đạo; đồng chí Vũ Đức Bảo - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy là Phó Trưởng ban Thường trực; một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách kinh tế tổng hợp là Phó Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, củng cố, phát triển mô hình tổ chức Đảng, các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội; chỉ đạo các cấp, các ngành; các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, các đảng ủy khối, đảng ủy trực thuộc Thành ủy tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đề ra. Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ tổ chức việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần