Hà Nội thêm 5 trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến 12h ngày 27/3/2020, Hà Nội đã ghi nhận thêm 5 trường hợp có xét nghiệm dương tính. Các trường hợp dương tính này cần Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm khẳng định mới có thể kết luận là mắc COVID-19.

Chiều 27/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý – Phó Trưởng Thường trực Ban chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản – Phó Trưởng Ban chỉ đạo.
Thêm 5 trường hợp xét nghiệm dương tính
Tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, theo thông báo của Bộ Y tế, tính đến 14h00 ngày 27/3/2020, tại Việt Nam có 153 người bị nhiễm COVID-19 tại 22 tỉnh thành phố. Đến nay đã có 20 trường hợp được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, 133 trường hợp đang được cách ly theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện.
 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo. 
Số ca mắc bệnh tại Việt Nam đang tăng lên, bên cạnh các ca xâm nhập từ các nước về Việt Nam đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Hà Nội, tính đến 14h00 ngày 27/3/2020, theo số liệu công bố của Quốc gia, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 53 trường hợp nhiễm COVID-19. Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến 12h ngày 27/3/2020, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 58 trường hợp có xét nghiệm dương tính.
Trong đó, 46 trường hợp là người nhập cảnh vào Hà Nội (khách du lịch, du học sinh/người lao động về nước), trong số này, 29 trường hợp phát hiện do xét nghiệm sàng lọc người đi về từ vùng dịch tại các điểm cách ly tập trung chưa về địa phương còn lại 17 trường hợp phát hiện tại cộng đồng.
Hiện nay số ca mắc của Hà Nội chủ yếu vẫn là từ nước ngoài về, tuy nhiên qua sàng lọc đã phát hiện các ca mắc mới ngoài cộng đồng đặc biệt, đã xuất hiện chùm ca bệnh trong bệnh viện Bạch Mai và đã xuất hiện các trường hợp bệnh là nhân viên y tế trực tiếp thăm khám cho người bệnh nên trong những ngày tới dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn và tiếp tục có chiều hướng gia tăng.
Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị tốt bệnh nhân, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu cao nhất trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục kiểm soát tốt tại cửa khẩu sân bay Nội Bài, tổ chức khai báo y tế bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài và các hành khách nội địa từ các tỉnh thành khác đến. Kiểm soát các bến tàu, bến xe.
Khẩn trương tổ chức rà soát, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các trường hợp sống trên địa bàn đã điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai và ra viện trong khoảng thòi gian từ ngày 15/3/2020 đến ngày 25/3/2020 theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Tiến hành giám sát trọng điểm tại cộng đồng để chủ động đánh giá tình hình dịch bệnh tại cộng đồng.
Tiếp tục tố chức tốt công tác cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của Thành phố, các đơn vị được phân công phải triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND Thành phố.
Các cơ sở điều trị khẩn trương chuyển các trường hợp F1 đang cách ly tại bệnh viện đến cơ sở cách ly tập trung của Thành phố để tập trung chuẩn bị cho việc tiếp nhận, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh. Quán triệt công tác phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn, đặc biệt tại các khu vực đã xuất hiện ca bệnh, khu vực có người tiếp xúc với ca bệnh... và tại các khu vực công cộng như như bến tàu, xe, chung cư, trường học...
Đóng cửa những cửa hàng dịch vụ không thiết yếu
Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết đến nay đã vận chuyển hơn 12.600 công dân về, tổ chức cách ly tập trung tại 9 địa điểm với tổng số 5.652 công dân. Đến nay, các khu cách ly do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý đều đảm bảo đúng các quy định đề ra, đảm bảo an toàn. Các công dân tại khu vực này đều thực hiện nghiêm quy định. Từ nay đến 29/3, dự kiến sẽ có 873 trường hợp công dân hết thời gian cách ly.
Công an TP Hà Nội cho biết, trong 2 ngày qua, Công an đã rà soát 4.399 trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội, trong đó có 1.786 người nước ngoài. Qua rà roát, có 78 người có biểu hiện ho, sốt đã được chuyển vào bệnh viện, 2.791 người cách ly tại nhà. Số người xác định dương tính với SARS-CoV-2 là 10 người.
Công an các phòng, quận, huyện đã phối hợp với ngành y tế để xác định số người thuộc diện F1 đến F4, qua đó xác định được 13.384 trường hợp. Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm hành vi khai báo không trung thực, không chấp hành các quy định cách ly.
Công an TP đã chỉ đạo công an Cầu Giấy xử lý 1 trường hợp ở phường Dịch Vọng vẫn để hoạt động quán bar. Đến nay đã xử lý 68 trường hợp đăng tin bài sai sự thật trên không gian mạng, gây hoang mang dư luận; xử lý 165 trường hợp có hành vi đầu cơ, tăng giá, buôn lậu, hành vi vứt khẩu trang không đúng quy định, lập hồ sơ xử lý hình sự 3 trường hợp.
 Hà Nội thực hiện nghiêm đóng cửa những cửa hàng dịch vụ không thiết yếu
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, từ ngày 25/3 đến nay, do cách hiểu của các quận huyện chưa có sự đồng nhất dẫn đến UBND một số phường đóng cửa cả những đơn vị kinh doanh thương mại, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp gửi thắc mắc cho Sở Công thương. Đồng thời, do nhiều người dân hoang mang một số đơn vị phân phối hàng hóa đóng cửa cho nên từ sáng 27/3, người dân đi siêu thị với lượng tăng gấp đôi so với ngày khác. Lượng người dân đi chợ tăng từ 20-30%. Do đó, Sở Công thương đã phải thông tin đến các phường, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân không nên đi tích trữ mua hàng bởi các hệ thống phân phối luôn mở cửa và đủ hàng hóa cho người dân.
Một số đơn vị điện máy vì sợ phải đóng cửa nên đưa thêm một số hàng hóa thiết yếu vào để bán chung với siêu thị điện máy. Hiện Sở Công thương đang phối hợp với các địa phương để xử lý tình hình này.
Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn TP có 26 trung tâm thương mại, trong đó có 25 trung tâm thương mại có siêu thị; trong 141 siêu thị có 103 siêu thị tổng hợp; 455 chợ; 495 cửa hàng xăng dầu; 674 cửa hàng gas. Đây là những nơi được xem xét để mở cửa bán hàng kinh doanh phục vụ nhu cầu của người dân.
Đối với các trung tâm thương mại chỉ mở cửa siêu thị tổng hợp, trừ các dịch vụ vui chơi giải trí, các dịch vụ cà phê hoặc làm đẹp.
Bên cạnh đó, trên các tuyến phố sẽ mở cửa các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, cửa hàng bán hoa quả; các cửa hàng thuốc.
Đối với việc dự trữ hàng hóa, Sở đã xây dựng theo phương án 3 với 5 cấp độ để tổ chức thực hiện. Hiện nay còn 6 quận, huyện chưa xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bao gồm: huyện Quốc Oai, quận Hai Bà Trưng, huyện Chương Mỹ, huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức, huyện Phú Xuyên. Đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng phương án để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất xảy ra.
Tại phiên họp, lãnh đạo các quận, huyện cho biết, sau khi Chủ tịch UBND TP có chỉ đạo, các quận huyện vào cuộc vận động đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, tranh tụ tập đông người, hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết. Đồng thời, các quận cũng làm việc với các doanh nghiệp, bảo đảm cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, người dân không cần phải tích trữ thực phẩm.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, tính đến 22 giờ ngày 26/3, trên địa bàn quận đã có 42 cơ sở dịch vụ karaoke, 64 cơ sở mat xa, 1 quán bar, 113 cửa hàng trò chơi điện tử, 3 rạp chiếu phim, 9 sân vận động, 27 phòng tập thể thao và 4.029 các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác đã nghiêm túc thực hiện việc tạm dừng đóng cửa. 57/57 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự cam kết không tổ chức các hoạt động có tập trung đông người.
Chủ tịch UBND Quận Long Biên cho biết, Quận đã có văn bản yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh từ 0h ngày 28/3/2020 như chỉ đạo của Thủ tướng và UBND Thành phố. Quận sẽ có đoàn kiểm tra việc thực hiện này, bắt đầu từ ngày mai, 28/4.

Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm toàn bộ, gần 5.000 nhân viên 

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai ngay sau khi có 2 điều dưỡng dương tính với Covid -19, bệnh viện đã phối hợp với Công an tổ chức cách ly 160 cán bộ y tế là F1, đến nay tất cả đều có sức khỏe tốt; xét nghiệm 2 lần âm tính.

Liên quan đến Bệnh nhân 133, ngay khi phát hiện dương tính, bệnh viện đã tiến hành cách ly cả Trung tâm Thần kinh; xét nghiệm ngay trong đêm 322 người là nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà. Các trường hợp nhân viên y tế đều có kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính. 2 trường hợp có dấu hiệu lây nhiễm đã được chuyển mẫu cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ngoài ra có 3 bệnh nhân có bệnh nặng, khi vào viện đã hôn mê, có tiên lượng nặng có thể tử vong (kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính với Covid -19).

Về việc còn ai ở bệnh viện Bạch Mai nhiễm nữa không, bệnh viện đã tầm xoát trên 5.000 mẫu của tất cả những người trong viện. Dự kiến 2 ngày nữa sẽ có kết quả. Tất cả bệnh nhân không được ra viện, phải chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng. "Bệnh nhân phải có xét nghiệm âm tính mớ được ra viện", Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết. 

Liên quan đến vấn đề này, CDC Hà Nội cho biết, đã có ổ dịch tại cộng đồng liên quan đến bệnh viện Bạch Mai. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, trung tâm đã rà soát và yêu cầu xấp xỉ gần 1.500 người ra viện từ 10 đến 25-3 thực hiện tự cách ly tại nhà để phòng dịch. Bên cạnh đó, trong 10 ngày qua có 14.000 người khám ngoại trú ở bệnh viện Bạch Mai. CDC Hà Nội đã khuyến cáo các trường hợp này cần tự thực hiện cách ly ở nhà, có dấu hiệu ho sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế.

Có chính sách chăm sóc đặc biệt cho y bác sỹ

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp khi Mỹ đã trở thành quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm; đã xuất hiện các vùng lãnh thổ lây nhiễm mới rất nghiêm trọng ở Đông Nam châu Á như Malaysia, Philippine, Campuchia,…Các nước đang đưa ra những biện pháp phòng chống dịch rất mạnh mẽ song chưa có quốc gia nào đưa ra được vaccine chữa loại dịch bệnh này. Rất nhiều chuyên gia dịch tễ học phân tích rằng chưa xác định được thời gian sẽ chấm dứt dịch bệnh này. Nếu theo quy luật dịch bệnh tại Vũ Hán, thì thế giới còn khoảng từ 3 đến 4 tháng nữa mới lên đỉnh dịch.

“Vì thế rất có khả năng, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP sẽ phải hoạt động trong một thời gian rất dài” – Chủ tịch UBND TP nói.

Nếu người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống thì sẽ chỉ có thể phát thành điểm ổ dịch nhỏ như ở 125 Trúc Bạch, BV Bạch Mai, quận Thanh Xuân, 20 Núi Trúc, 36 Hoàng Cầu…từ đó, chúng ta có thể phát hiện và ngăn chặn được ngay; nhưng nếu để thành ổ dịch lớn, virus phát tán khắp nơi thì thành phố sẽ có nguy cơ như Vũ Hán (Trung Quốc).

Chủ tịch UBND TP cho biết thành phố đã có bài học kinh nghiệm về phản ứng nhanh với ổ dịch tại 125 Trúc Bạch (quận Ba Đình), phong tỏa BV Hồng Ngọc…Từ đó, các quận huyện cần nghiên cứu những kinh nghiệm này để có những biện pháp ứng phó kịp thời, hợp lý. Đồng thời, phải chủ động, không chờ thông báo kết quả xét nghiệm dương tính của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư mà TP Hà Nội sẽ chủ động nâng cao hơn một mức so với quy định.

“Các quận huyện phải giải thích rõ với người dân rằng Hà Nội không giống các vùng quê, nếu chờ 1-2 ngày có kết quả và để người dương tính với Covid-19 đi lại thì sẽ rất nguy hiểm. Vì thế TP Hà Nội phải làm cao hơn một mức so với quy định của T.Ư. Nếu sai, tôi sẽ chịu trách nhiệm” – Chủ tịch UBND TP nói.

Chủ tịch UBND TP đề nghị BV Bạch Mai cần nghiên cứu bài học kinh nghiệm xử lý tại BV Hồng Ngọc; CDC Hà Nội khẩn trương phối với với T.Ư để làm rõ định nghĩa “vùng dịch”, “ổ dịch” để từ đó có các phương án, biện pháp triển khai phù hợp.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị: Các cấp các ngành quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch, bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng của người dân Thủ đô là mục tiêu tối thượng.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp

TP quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa thực hiện các giải pháp chống dịch theo đúng chỉ đạo của T.Ư và TP, tăng cường kỷ luật kỷ cương, tuyệt đối không lơ là chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để.

TP quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người kể từ 0h ngày 28/3/2020 đến hết ngày 15/4/2020. “Như vậy tất cả các trường học các cấp trên địa bàn TP phải nghỉ đến hết ngày 15/4/2020. Dừng mọi hoạt động hội họp, các hoạt động tập trung trên 20 người một phòng. Không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu đeo khẩu trang. Thực hiện đúng khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các điểm công cộng” – Chủ tịch UBND TP nói.

TP Hà Nội đề nghị dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Khi tập trung dưới 20 người phải tiến hành khử khuẩn, vệ sinh, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m.

Bên cạnh đó, dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP, trừ các điểm kinh doanh dịch vụ như siêu thị tổng hợp, trung tâm thương mại bao gồm siêu thị tổng hợp; văn phòng cho thuê; bệnh viện; chợ dân sinh gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm rau, củ, quả, đồ khô; các cửa hàng tiện lợi như siêu thị mini, trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ; cửa hàng tạp hóa kinh doanh hoa quả; chuỗi kinh doanh nông sản, thực phẩm thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, ga khí đốt. Khuyến khích mọi người sử dụng thương mại điện tử.

TP giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã điều tra dịch tễ, xét nghiệm y tế đối với các trường hợp F1, F2; tăng cường chỉ đạo giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình; thực hiện xử lý vi phạm, cưỡng chế các trường hợp chống đối cách ly theo quy định. Tổ chức khoanh vùng dập dịch theo quy định của Bộ Y tế; xây dựng phương án khoanh vùng dập dịch theo quy mô dân số. Tổ chức cách ly tại gia đình nghiêm ngặt đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam chưa qua 14 ngày…

Theo danh sách BV Bạch Mai cung cấp, trên địa bàn TP có 1.592 bệnh nhân điều trị ngoại trú và đến điều trị tại BV Bạch Mai từ ngày 10/3 đến nay. TP yêu cầu cách ly tại nhà đối với tất cả trường hợp trên, kể cả đây là người nhà đến trông nom; kể cả những trường hợp sinh viên y đang được đào tạo tại BV, người trông xe, người cung ứng lương thực, thực phẩm, lái xe taxi, người cung cấp thuốc, những người đến dự đám tang trong nhà tang lễ của BV…

Đề nghị Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND phường Quảng An phải rút kinh nghiêm trong việc để người dân đi lễ đông người tại Phủ Tây Hồ vào ngày 24/3. Các quận, huyện phải hạn chế người dân đến những nơi đông người, không tụ tập ăn uống…

TP giao Sở Y tế điều tra xét nghiệm mẫu để đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; hướng dẫn triển khai các chỉ đạo xử lý việc lây nhiễm Covid-19 trong BV Bạch Mai theo hướng dẫn của Bộ Y tế; khẩn trương rà soát việc khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, sàng lọc các trường hợp nhập cảnh Việt Nam chưa qua 14 ngày…

Hiện nay qua quá trình sàng lọc, TP đang phát hiện thêm 1 trường hợp nữa là người nước ngoài ở Quảng An, Tây Hồ có dương tính với Covid-19, hiện đã chuyển vào bệnh viện Nhiệt đới T.Ư.

Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo về việc phân luồng, phân tuyến khám bệnh cho Nhân dân; bổ sung đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ cho xét nghiệm để tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Nâng công suất để có thể sàng lọc toàn bộ các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.

Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, các phương án phòng chống dịch, kể cả huy động cơ sở vật chất của các doanh nghiệp, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng.

Có phương án chăm sóc tốt hơn với nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, đảm bảo đội ngũ y tế có đủ sức làm việc lâu dài trong mùa dịch; xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế đang làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm.

Dù đã có chính sách bồi dưỡng cho tất cả những người tham gia phòng chống dịch, tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP giao Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản chủ trì nghiên cứu, kiểm tra nguồn lực của TP, đề xuất chính sách cao hơn cho các y tá, bác sỹ. “Chúng ta chống dịch như chống giặc, tuyến đầu chống giặc chính là y tá, bác sỹ, do vậy, cần phải có chính sách chăm sóc đặc biệt”.

Xây dựng kịch bản, phương án phòng chống dịch với mức độ cao hơn để chủ động khi có tình huống xấu xảy ra.

Sở GTVT kiểm tra các đơn vị vận chuyển hành khách công cộng thực hiện theo đúng chỉ đạo của TP. Giao Công an TP phối hợp với Sở TTTT, UBND các quận, huyện xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự đối với các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, chống đối, không chấp hành các biện pháp cách ly y tế, găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường.

TP giao Sở TTTT phối hợp với Sở Y tế thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch về diễn biến dịch. Tập trung đưa thông tin về việc không tập trung đông người. Khuyến khích, hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện. Sớm phát hiện và báo cáo BCĐ TP các trường hợp nghi mắc bệnh.

Chủ tịch UBND TP mong muốn Nhân dân Thủ đô bình tĩnh, tin tưởng và ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sỹ trong phòng chống dịch bệnh.

TP giao Công an TP, các quận huyện chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, có biện pháp yêu cầu tất cả các loại hình kinh doanh không thiết yếu phải dừng hoạt động.

“Nếu có sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, chúng ta sẽ làm giảm được lây nhiễm trong cộng đồng, giống như đám cháy nhỏ, có đến đâu dập đến đó, chắc chắn chúng ta sẽ thành công”, Chủ tịch UBND TP bày tỏ.