Hà Nội: Thị trường nhà biệt thự đứng giá

Chia sẻ Zalo

Sau khi tăng giá 20-40% trong cơn sốt đất, phân khúc nhà liền kề và biệt thự tại Hà Nội đều đứng giá. Nơi đắt nhất nhì Hà Nội như Ciputra giờ vẫn giữ giá 120-150 triệu đồng mỗi mét vuông tùy vị trí. Biệt thự Mỹ Đình cũng rơi vào khoảng 90-120 triệu đồng.

Giá bán các khu biệt thực cao cấp, liền kề không thay đổi, lượng giao dịch có nơi giảm tới 50% do ảnh hưởng chung của toàn thị trường.

Theo khảo sát của PV, sau khi tăng giá 20-40% trong cơn sốt đất, phân khúc nhà liền kề và biệt thự đều đứng giá. Nơi đắt nhất nhì Hà Nội như Ciputra giờ vẫn giữ giá 120-150 triệu đồng mỗi mét vuông tùy vị trí. Biệt thự Mỹ Đình cũng rơi vào khoảng 90-120 triệu đồng.

Các khu vực giá mềm hơn một chút như Pháp Vân dao động khoảng 51,5 triệu đến 70 triệu đồng. Khu Linh Đàm, biệt thự gần nghĩa trang giá chỉ khoảng 35-40 triệu đồng, trong khi khu vực gần đường lớn 100 triệu đồng. Khu vực Văn Khê, Văn Phú mềm hơn, khoảng 32-55 triệu đồng. Việt Hưng giá cả không biến động nhiều, khoảng 42-49 triệu đồng mỗi m2 song cũng rất ít khách hỏi mua.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Century Group, xác nhận ngoại trừ một số dự án mới, phân khúc biệt thự, nhà liền kề ở Hà Nội đang đứng giá, đặc biệt ở khu vực phía Tây thành phố. Còn ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản B.D.S cho hay, lượng giao dịch của hầu hết khu liền kề và biệt thự của Hà Nội đang rất chậm, giảm tới 50% so với hồi tháng 5.

Theo ông Trường, lượng giao dịch trong hai tháng trở lại đây chậm hơn hẳn, giá biệt thự hiện đang có xu hướng đi ngang. Lý do là vào hồi tháng 5, khi cơn sốt đang lên cao đỉnh điểm, giá đã bị đẩy lên quá cao nên khó có khả năng tăng nhanh và nhiều.

Thêm vào đó, đối với nhiều khu nhà biệt thự, liền kề đã hoàn thiện, khách hàng phải trả hết tiền ngay cho người bán mà không theo tiến độ như dự án đang làm nên số lượng nhà đầu tư tham gia không nhiều. Phần đông khách hàng mua nhà liền kề, biệt thự là những người nhiều tiền hoặc các đại gia, đa số mua để ở hoặc làm "của để dành" như một khoản đầu tư dài hạn nên giao dịch không sôi động.

Còn ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land nhận định, biệt thự và nhà liền kề tính thanh khoản chậm hơn rất niều so với đất nền và chung cư. Ông Hà đưa ra ví dụ, một căn biệt thự ở Mỹ Đình rộng khoảng 200 m2 với giá khoảng 100 triệu đồng mỗi m2 ngót nghét cũng lên tới 20 tỷ đồng. Số tiền bỏ ra quá lớn nên ít nhà đầu tư đủ tiền để tham gia.

Trong khi cũng số tiền đó, nếu "lướt sóng" chung cư có thể thu được lợi nhuận nhiều hơn. "Các dự án mới ở phân khúc chung cư tỷ lệ góp vốn thấp, tính thanh khoản cao hơn sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư vừa và nhỏ hơn mảng liền kề và biệt thự", ông Hà nói.

Mặc dù đang chững lại, biệt thự, liền kề vẫn được coi là kênh đầu tư hiệu quả trong dài hạn. Ông Trường cho rằng, đời sống người dân đang dần lên cao, nhất là tầng lớp giàu có tăng nhanh... nên nhu cầu mua biệt thự sẽ lớn. Hơn nữa tâm lý nhiều người Việt vẫn thích ở nhà dưới mặt đất hơn chung cư.

Ở biệt thự, gia chủ có thể tự ý thiết kế chỉnh sửa kiến trúc, nội, ngoại thất... theo ý mình để toát lên đẳng cấp riêng. Thêm vào đó, khi giao thông ổn định, cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện thì các khu vực như Việt Hưng, Linh Đàm, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Ciputra.. sẽ có nhiều người ở hơn. "Do các yếu tố này, phân khúc biệt thự liền kề sẽ sớm hồi phục trong vòng 6 tháng cuối năm cùng với sự phục hồi của các yếu tố kinh tế vĩ mô", ông Trường nói.

Cũng cùng chung nhận định trên, ông Hưng bổ sung, mặc dù nhìn chung thị trường chững lại song các dự án biệt thự, nhà liền kề mới ra vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Cùng với việc cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện thì phân khúc này sẽ rất có tiềm năng hút khách. "Trong khi những dự án cũ qua tay nhiều nhà đầu tư thứ cấp, giá bị đẩy lên thì những dự án mới giá vẫn chấp nhận được. Các dự án mới ra vẫn còn còn cơ hội ra tăng về giá trị bởi giá cả chưa đến mức bão hòa", ông Hưng nói.

Theo Công ty Nghiên cứu Bất động sản Savills Việt Nam, hiện có khoảng 8.200 biệt thự và 11.400 nhà liền kề tại 10 quận trên thị trường thứ cấp tại Hà Nội. Quận Hà Đông có khoảng 3.400 biệt thự, chiếm 42%; và khoảng 5.900 nhà liền kề, chiếm 52% tổng nguồn cung. Trong trung hạn, dự kiến có 59 dự án phát triển biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội. Các dự án này tập trung chủ yếu tại các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên, Từ Liêm, và khu vực Láng Hòa Lạc. Riêng quận Hoàng Mai và khu vực Láng Hòa Lạc chiếm khoảng 55% tổng số các dự án.

Savills đánh giá, trong 5 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng đạt thấp khoảng 7% trong khi mức tăng trưởng mục tiêu cả năm là 25%. Do vậy, trong nửa cuối năm 2010, mức tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ tăng đáng kể, có thể giúp tăng nguồn cầu cho phân khúc thị trường này khi người mua có thể vay ngân hàng dễ dàng hơn để mua bất động sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần