Có được điều đó một phần là bởi các môn thi đã được giảm bớt, phạm vi nội dung kiến thức ra đề thi cũng được giảm tải theo chương trình được Bộ GD&ĐT quy định. Đề thi giảm độ khó, bám sát chương trình cơ bản bậc THCS, chủ yếu là lớp 9.
Diễn biến trên làm nhớ đến những ngày cả nước phòng chống Đại dịch Covid-19. Thời gian đó, nhiều việc lúc bình thường khó thực hiện, từ đơn giản như việc đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay cho đúng cách đến việc phức tạp hơn như dạy và học online, họp trực tuyến… đều trở thành bình thường trong thời gian giãn cách xã hội và nay vẫn được duy trì, phát triển. Những thay đổi mang tính tình thế nhằm giảm áp lực và bảo đảm quyền lợi của học sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay cũng vậy.
Do những khó khăn bởi dịch bệnh trong năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục buộc phải có phương án phù hợp cho các kỳ thi để bảo đảm quyền lợi, từ đó dẫn đến việc giảm tải, làm bớt áp lực cho học sinh, một trong những mong muốn đã có từ nhiều năm nay của mỗi thí sinh, mỗi gia đình và toàn xã hội. Những nét mới mang tính đặc thù của việc tổ chức các kỳ thi năm nay hoàn toàn có thể được nghiên cứu, vận dụng nhằm giảm áp lực của mỗi kỳ thi những năm tới.
Tuy nhiên, như trên đã nói, việc giảm tải các kỳ thi của năm nay mới chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Muốn đạt mục đích giảm áp lực từ các kỳ thi một cách bền vững, xem ra cần những giải pháp căn cơ hơn, mà đầu tiên là công tác phân luồng học sinh ngay từ khi tốt nghiệp THCS. Đây là một hướng đi đã được quan tâm, đề cập đến từ nhiều năm nay song hiệu quả chưa được bao nhiêu.
Hằng năm cả nước có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Hơn 70% trong số đó (Hà Nội là 75%, TP Hồ Chí Minh 77%) vẫn có xu hướng học tiếp lên THPT. Trong khi đó, mục tiêu của công tác phân luồng được đặt ra là từ năm 2015 đến 2020 phấn đấu có 30% số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường trung cấp hoặc trung cấp nghề. Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng có những điều khoản mở đường cho học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, khi đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn. Nếu việc này được thực hiện tốt, sẽ tạo nhiều hướng đi cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Ngoài việc tiếp tục học THPT công lập, các em còn có thể học THPT dân lập; học văn hóa rút gọn (7 môn) tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên; học nghề và học hệ 9+ tại các trường cao đẳng, một mô hình đang được đang triển khai gần đây. Lựa chọn học hệ trung cấp, cao đẳng…, thay vì mất thêm 3 năm theo học THPT, các em sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn, có thu nhập sớm hơn. Điều quan trọng là các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học.
Như vậy, phân luồng học sinh sau THCS, bên cạnh ý nghĩa là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bậc học trung học phổ thông và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, còn góp phần giảm áp lực kỳ thi vào THPT và theo đó cũng giảm áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Hiệu quả đã rõ, vấn đề còn lại là cách tổ chức, thực hiện sao cho học sinh và cha mẹ các em nhận thức được lợi ích của mỗi hướng đi khác, ngoài con đường học lên THPT và vào đại học. Điều này cần sự nỗ lực để thay đổi nhận thức của toàn xã hội, song trách nhiệm trước tiên thuộc về hai ngành GD&ĐT và LĐTB&XH.