Đến nay, TP đã và đang tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai nhiều biện pháp chủ động, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong phòng, chống dịch.Không nóng vộiNhìn lại công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, nhiều ý kiến nhận định, các cấp, các ngành của TP Hà Nội đã thể hiện được sự bình tĩnh, không nóng vội. Các chiến lược, giải pháp được đưa ra trong từng thời điểm luôn có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thông điệp về 5K, vaccine, thuốc, công nghệ cùng bốn sớm (phát hiện sớm, xét nghiệm sớm, cách ly sớm và điều trị sớm) và nhiều giải pháp phòng chống dịch khác đã thực thi hiệu quả trong cuộc sống.Trong thời điểm hiện tại, để thích ứng với diễn biến của dịch, Hà Nội đang từng bước đưa ra giải pháp chắc chắn, hiệu quả, phù hợp để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Trong đó, nguyên tắc nhất quán trong phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội là thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư, coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Thực tế trong những ngày qua, Hà Nội vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm, có những ngày lên đến hơn 100 ca ngoài cộng đồng với nhiều chùm ca bệnh phức tạp, mặc dù vậy, người dân và chính quyền TP không quá hoang mang, luôn căn cứ vào Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai các bước theo tình hình thực tế. Hà Nội đã thay đổi phương thức phong tỏa, xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy. Việc thực hiện quy mô phong tỏa hẹp nhất đã tạo điều kiện tối đa đảm bảo hoạt động phục hồi kinh doanh, đời sống người dân. Đây chính là một ví dụ chứng minh cho việc chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch.Vừa qua, khi trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, để thích ứng với tình hình dịch bệnh khó lường tại TP, các đơn vị, địa phương chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” và nâng cao năng lực y tế từ TP xuống đến cơ sở. “Công tác triển khai phải chú trọng những tiêu chí hàng đầu là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Quá trình thực hiện phải bảo đảm thống nhất, bài bản, khoa học, hiệu quả”- Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.Lãnh đạo TP cũng xác định nguy cơ bùng phát dịch trở lại là khá cao nên các chỉ đạo đều nhấn mạnh đến tính an toàn, chắc chắn, xác định phòng dịch hơn chống dịch. Các nghị quyết, công điện, kế hoạch được TP triển khai (Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Công điện số 22/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP; Kế hoạch số 243/KH-UBND), đã thống nhất trong quan điểm chỉ đạo, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn TP, với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi. Hà Nội vẫn duy trì phương tiện công cộng, xe taxi; các siêu thị, cửa hàng, quán cafe, cửa hàng ăn, công viên, hoạt động thể thao trong nhà… được hoạt động trở lại. Căn cứ tình hình dịch trên địa bàn và hướng dẫn các tiêu chí của Bộ Y tế, các đơn vị hành chính trên địa bàn TP cũng đánh giá, phân loại cấp độ dịch hàng tuần và công bố công khai, tương ứng với các giải pháp thích ứng.Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của TP, các quận, huyện đã nhanh chóng triển khai các giải pháp để thích ứng an toàn với dịch. Chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực điều tra dịch tễ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19, không để bị động.
Tại quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến cho biết, cùng với thường xuyên tuyên truyền, quận tổ chức chiến dịch cao điểm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là việc khai báo y tế, theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, tiêm chủng, nguyên tắc 5K, quét mã QR, ứng dụng CNTT để quản lý di biến động dân cư...“Kích hoạt” trạng thái bình thường mớiHà Nội đang dần từng bước đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trong trạng thái bình thường mới, trong đó có những giải pháp mới, khi gần trên 94% dân số trên 18 tuổi và trên 70,1% tổng dân số của TP đã tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19; trên 81% dân số trên 18 tuổi và trên 61,1% tổng dân số tiêm mũi 2.Hiện Hà Nội đã thực hiện cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế (tại 26 quận huyện) theo quy trình chặt chẽ. Như đánh giá bước đầu cho thấy, người dân ủng hộ cách làm này và ý thức thực hiện cách ly nghiêm túc, bởi cuộc sống không bị ảnh hưởng, xáo trộn. Trong quá trình cách ly, các gia đình cũng nhận được sự hỗ trợ từ phường, xã, thôn, tổ dân phố. TP cũng giao Sở Y tế phối hợp Sở TT-TT xây dựng phần mềm quản lý, điều trị các trường hợp F0 tại nhà. Đây là bước tiến mạnh mẽ thể hiện thần “thích ứng an toàn” trong phòng, chống dịch của TP. Phương án mới này không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho ngành y tế mà còn kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân, để “sống chung an toàn với Covid-19”.Cùng với đó, sau khi cho phép học sinh lớp 9 tại huyện “vùng xanh” Ba Vì trở lại trường từ 8/11 sau hơn 6 tháng phải tạm dừng đến trường vì Covid-19, ngày 22/11, học sinh khối 9 của 17 huyện, thị xã tiếp tục được quay trở lại trường học trực tiếp. Yêu cầu phòng dịch vẫn đảm bảo với các giải pháp như chia nửa lớp học ca sáng, chiều; giãn cách lớp học; duy trì 5K, "một cung đường, hai điểm đến"…
Đây cũng sẽ là tiền đề để Hà Nội đánh giá mức độ an toàn khi cho học sinh trở lại trường học, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai tại các khối lớp, địa bàn khác trong thời gian tới. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Hà Nội đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 15 - 17 tuổi. Sau hai ngày đầu triển khai (23 - 24/11), Hà Nội đã tiêm được 133.257 mũi vaccine. Theo kế hoạch, trong quý IV/2021 và quý I/2022, TP sẽ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ trẻ từ 12 - 17 tuổi (bao gồm trẻ đi học tại các trường đóng trên địa bàn TP và trẻ không đi học, sinh sống tại Hà Nội). Như vậy, dự kiến, có 791.921 trẻ sẽ được tiêm.Tăng năng lực hệ thống y tế cơ sởNhư các chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh về chiến lược phòng, chống dịch bệnh giai đoạn mới theo hướng tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, bao gồm xét nghiệm trọng điểm, điều trị hiệu quả, “tinh thần là dịch đến đâu xử lý gọn đến đấy”… sẽ mang lại hiệu quả tốt. Trên cơ sở đó, Hà Nội đã rà soát ngay cơ sở vật chất của 579 trạm y tế cấp xã, nhất là hệ thống oxy, cơ chế vận hành, sẽ là “cánh tay nối dài” của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng. Đồng thời, thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, 20 trạm y tế xã lưu động đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất.Những ngày qua, Sở Y tế Hà Nội đã thực nghiệm một số trạm y tế lưu động trước khi vận hành chính thức. Các trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F1, F2 đang cách ly tại nhà và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn)… Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án triển khai Trạm Y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn. Mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.Theo lãnh đạo quận Hoàng Mai, quận đã thành lập được 21 trạm y tế lưu động tại 14 phường. Trong đó, một số phường có số dân cư đông thành lập 2 trạm như các phường Định Công, Hoàng Liệt, Đại Kim… Quận huy động đội ngũ y tế tư nhân, bác sĩ nghỉ hưu, đồng thời tăng cường thêm bác sĩ điều dưỡng tại các trung tâm y tế quận, phường, bảo đảm mỗi trạm có đủ 1 bác sĩ. Trạm y tế lưu động được tổ chức tại các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa của phường được trang bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc theo danh mục... Quận cũng tổ chức diễn tập triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động tại phường Đại Kim để bảo đảm khi đi vào vận hành, các trạm y tế lưu động sẽ hoạt động hiệu quả, góp phần vào công tác phòng, chống dịch.Theo Giám đốc Sở Y tế TP Trần Thị Nhị Hà, Hà Nội rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại một số địa phương, TP xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng, chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở. Việc này bảo đảm người dân được cung cấp dịch vụ y tế từ sớm, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội đang đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế là hết sức đúng đắn. Cùng với tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine, chủ động kiểm soát dịch từ bên ngoài xâm nhập vào, TP cũng sẵn sàng các kịch bản khi dịch tăng cao, đồng thời yêu cầu sự vào cuộc của chính quyền cơ sở linh hoạt hơn, trách nhiệm hơn, giúp đời sống người dân được bảo đảm nhưng vẫn an toàn trong phòng, chống dịch. |