Hà Nội thiệt hại gần 200 tỷ đồng sau bão số 1

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội Đỗ Đức Thịnh đã cho biết như vậy tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 2/8.

Theo đó, cơn bão đã khiến 7 người bị thương trên địa bàn; có 4.064 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%; trên 490 căn nhà bị thiệt hại rất nặng từ 50% đến dưới 70%, trên 650 căn nhà thiệt hại từ 30% đến 50%; trên 2.400 căn nhà thiệt hại dưới 30%; 63 điểm trường bị ảnh hưởng. Diện tích lúa bị thiệt hại là trên 1.800 ha, trong đó thiệt hại hoàn toàn là 20 ha; 356 ha thiệt hại từ 50% - 70% và 365 ha thiệt hại từ 30% - 50%. Rau màu, hoa màu bị thiệt hại là 3.471 ha, trong đó có trên 1.000 ha rau, hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn. Cũng do ảnh hưởng của bão số 1, đã có 2.390 gia súc bị chết, cuốn trôi; trên 54.000 gia cầm bị chế. Cây bóng mát, cây xanh bị đổ, gãy là 30.640 cây trên toàn TP.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu tại buổi giao ban báo chí.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu tại buổi giao ban báo chí
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, trên địa bàn 10 quận nội thành (trừ Hà Đông, Long Biên) ở địa bàn Công ty quản lý đã có trên 1.400 trường hợp cây đổ và nhiều cành gẫy. Nguyên nhân do cường độ gió giật quá mạnh (cấp 10 cấp 11 trong 3 – 4h) kèm theo mưa lớn, trong khi mật độ các nhà cao tầng lớn của Hà Nội là một trong những nguyên nhân hút gió, làm tăng tốc độ gió.

 Bên cạnh đó, quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè trong những năm trước đây như hạ ngầm hệ thống điện, cáp thông tin, cải tạo hệ thống thoát nước đã xâm hại hệ thống rễ của cây xanh đường phố. Mực nước ngầm của Hà Nội cao, ô nhiễm nước nguồn ngày càng tăng làm cho hệ thống rễ cây khó phát triển theo chiều sâu, các rễ cây phát triển ngang và dễ bị cắt đứt do cải tạo vỉa hè cũng là nguyên nhân gãy đổ.

Giải pháp khắc phục được Công ty đưa ra là tiếp tục cắt sửa cây bảo đảm mỹ thuật, hạ độ cao để bảo đảm an toàn đối với một số chủng loại cây như xà cừ và muồng. Trong 7 tháng đầu năm, nhờ việc đưa máy móc hiện đại vào, Công ty đã thực hiện đã cắt sửa 26 nghìn cây, bằng tổng số cây cắt, sửa của 8 năm trước đây. Nhiều cây xanh trên các tuyến phố được cắt tỉa bảo đảm kỹ, mỹ thuật, đồng bộ, cải thiện được cảnh quan, và với mục đích giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.

Thực tế được Công ty đưa ra là từ đầu năm đến nay, tất cả các cây có đường kính lớn đã cắt sửa, hạ độ cao không bị đổ sau cơn bão số 1 tại các phố Quang Trung, Nguyễn Du, Điện Biên Phủ, Nguyễn Cảnh Chân, Lê Thái Tổ, Trần Nhân Tông, các cây sấu tại Đinh Tiên Hoảng, Ngô Quyền…

Trao đổi thêm về vấn đề quản lý cây xanh đô thị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đã xây dựng quy trình nêu các bước trồng cây, cụ thể về quy trình trồng cây bóng mát và đang xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, sẽ ban hành trong thời gian tới. Đối với hàng loạt cây phượng vĩ mới được trồng trên dải phân cách nhiều tuyến phố vừa qua, nhờ trồng đúng quy trình nên không cây nào bị đổ.

Trả lời báo chí về một số cây sau khi bị đổ đã lộ bầu còn nguyên lưới bọc nylông, ông Phong cho biết đó là những cây do các đơn vị của quận Cầu Giấy và Hà Đông trồng. Sở Xây dựng đã đề nghị hai quận kiểm tra, trong trường hợp có vi phạm, phải xử lý trách nhiệm cả đơn vị trồng và đơn vị giám sát.