Theo đó, các nguồn thu ngân sách TP được hưởng 100% gồm 23 danh mục: Thuế tài nguyên từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước có vốn đầu tư nước ngoài trừ thu trên địa bàn huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng; Tiền sử dụng đất thu từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ; Thu từ bán tài sản do TP quản lý; Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc TP xử lý...
Các nguồn thu ngân sách cấp TP hưởng theo tỉ lệ phần trăm phân chia gồm 8 danh mục: Thuế giá trị gia tăng của các nhà thầu phụ phát sinh từ các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu, khí; Thuế thu nhập cá nhân; Thuế tiêu thụ đặc biệt (không kể thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt từ hoạt động xổ số kiến thiết); Thuế bảo vệ môi trường; Lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền và các tài sản khác...
Về nhiệm vụ chi ngân sách TP gồm chi cho đầu tư phát triển. Ngân sách cấp TP chi đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng (gọi tắt là đầu tư) các công trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội không có khả năng thu hồi vốn, không có khả năng xã hội hoá hoặc chỉ xã hội hóa được một phần thuộc TP quản lý, gồm 26 lĩnh vực: Đầu tư thủy lợi; đê điều; lâm nghiệp; trồng trọt - chăn nuôi; các công trình vườn hoa, cây xanh, hồ nước; đầu tư lĩnh vực giao thông; công trình bãi, bến cảng thủy; công trình chiếu sáng công cộng; công trình vệ sinh môi trường; công trình thoát nước; công trình văn hóa, thể thao; công trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; công trình y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ngân sách TP chi thường xuyên cho 16 nhiệm vụ gồm: Các hoạt động sự nghiệp giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp do TP quản lý; các hoạt động sự nghiệp khoa học công nghệ do cấp TP quản lý; các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đảm bảo trật tự an toàn xã hội cấp TP; các hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường; trợ giá, trợ cước theo chính sách của Nhà nước và TP; thực hiện các chính sách xã hội đối với các đối tượng do cấp TP quản lý. Hoạt động các cơ sở xã hội, hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội và các hoạt động xã hội khác...
Nghị quyết cũng quy định ngân sách TP chi cho trả nợ lãi các khoản do TP vay; chi bổ sung quỹ trự trữ tài chính của TP; chi bổ sung cho ngân sách quận, huyện, thị xã...
Về nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách quận, huyện, thị xã, Nghị quyết quy định các khoản thu ngân sách quận, huyện được hưởng 100% gồm 18 danh mục: Thu hỗ trợ Nhà nước thu hồi với đất thuộc cấp huyện và phường quản lý; Thu từ đất công ích và thu hoạ lợi công sản khác trên địa bàn phường; Lệ phí trước bạ nhà đất thu trên địa bàn phường; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thu trên địa bàn phường...
Các khoản thu phân chia ngân sách cấp quận, huyện, thị xã được hưởng theo tỉ lệ phần trăm gồm 8 danh mục: Thuế thu nhập doanh nghiệp (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động xổ số kiến thiết, từ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí) thu từ khu vực ngoài quốc doanh; Thuế thu nhập cá nhân do Chi cục thuế quản lý thu (thuế thu nhập cá nhân do Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế doanh nghiệp lớn quản lý thu trên địa bàn huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng)...
Về nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện, quận, thị xã, Nghị quyết cũng quy định ngân sách cấp quận, huyện, thị xã được chi cho đầu tư phát triển với 20 danh mục; Chi thường xuyên với 15 danh mục...
Đối với cấp xã, thị trấn, Nghị quyết quy định các khoản thu ngân sách được hưởng 100% có 15 danh mục; thu bổ sung từ ngân sách cấp trên; thu chuyển từ nguồn ngân sách xã, thị trấn năm trước sang năm sau...
Nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của cấp xã, thị trấn có 3 danh mục; chi thường xuyên có 11 danh mục...
Nghị quyết cũng quy định mức phân bổ nguồn đầu tư xây dựng cơ bản, phân cấp cho các quận, huyện thị xã, với các tiêu chí chính thì việc tính toán theo phương pháp tính toán tại Quyết định 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng dẫn tại Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg, số liệu về tiêu chí dân số, dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, diện tích đất tự nhiên, tỷ lệ từng địa phương được lấy mốc năm 2019; số liệu về thu nội địa, tỷ lệ điều tiết ngân sách cấp trên được lấy mốc năm 2020. Trên cơ sở cách xác định điểm tiêu chí, định mức của quốc gia, phân bổ cho cấp tỉnh, đưa vào tính toán của Hà Nội cần phải quy đổi tiêu chí, định mức về đơn vị hành chính nhỏ hơn cấp tỉnh phân bổ cho cấp huyện.
Với tiêu chí bổ sung: Mật độ dân số căn cứ vào nguồn số liệu trên cơ sở số liệu dân số và diện tích tự nhiên tại niên giám thống kê năm 2021 của Hà Nội; số trường công lập do cấp huyện quản lý chưa đạt chuẩn quốc gia, nguồn số liệu Sở GD-ĐT cung cấp theo báo cáo ngày 13/10/2021; số di tích quản lý cần tu bổ theo báo cáo của Sở VHTT ngày 13/10/2021...
Tại Nghị quyết này của HĐND cũng quy định cụ thể về định mức phân bổ ngân sách của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND. ngày 8/12/2021 của HĐND TP về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của TP Hà Nội.
Đối với Dự thảo Nghị quyết Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2023 (gồm phân bổ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư công năm 2023; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025), Chủ toạ kỳ họp thống nhất đề nghị UBND TP rà soát, bổ sung nội dung giải trình về Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2023, làm cơ sở để các Ban và ĐB HĐND tiếp tục xem xét, thảo luận trước khi quyết nghị tại Kỳ họp này.
Cùng tại Kỳ họp, HĐND TP cũng biểu quyết, thông qua Nghị quyết Phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước của TP năm 2021.