Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: thông tin vỡ đê sông Cầu tại huyện Sóc Sơn là không chính xác

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước một số thông tin đăng tải trên mạng xã hội về việc đê sông Cầu bị vỡ, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết đây là thông tin không chính xác. Đê chính sông Cầu hiện nay vẫn an toàn.

Hình ảnh đoạn đê bối, bờ bao đoạn Tân Hưng bị tràn, vỡ tại huyện Sóc Sơn.
Hình ảnh đoạn đê bối, bờ bao đoạn Tân Hưng bị tràn, vỡ tại huyện Sóc Sơn.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị sáng 11/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, khoảng 1h15 đến 3h ngày 11/9/2024, lũ sông Cầu tràn, vượt đê bối Đồng Hào đoạn Trung Giã trước, sau đó, tiếp tục tràn đoạn Tân Hưng gây sự cố tràn đê bối đoạn Tân Hưng.

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, đây là đoạn đê bối, bờ bao đất sản xuất nông nghiệp. Theo quy định thì khi lũ sông Cầu vượt báo động II, bờ bao này sẽ không còn có khả năng ngăn nước lũ. Những ngày qua, nhân dân đã cố gắng đắp đất, be bờ để giữ đoạn bờ bao này nhưng không thành công.

Thống kê ban đầu cho thấy, sự cố tràn đê bối, bờ bao tại Tân Hưng đã gây úng ngập khoảng 167,1ha diện tích lúa, hoa màu, thủy sản (trong đó, lúa 163,1ha và thủy sản 4ha). Nguy cơ ảnh hưởng 10 hộ dân các thôn: Gò Sành, An Lạc (xã Trung Giã). Lực lượng chức năng đang cấp bách ứng phó sự cố.

Liên quan đến diễn biến lũ trên sông Cầu, dự báo đến 22 giờ ngày 11/9/2024, mực nước trên con sông này sẽ đạt 9,13m và tiếp tục có xu hướng lên chậm. Trong lịch sử, lũ trên sông Cầu đã từng cao 9,2m vào năm 1971. Trong đợt lũ năm 2001, lũ sông Cầu cũng từng đạt 8,95m.