Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 506 sản phẩm đồ chơi bằng nhựa có hình dạng mô hình súng, mang tính chất bạo lực, có dấu hiệu không đáp ứng đủ các quy định về hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Bà Ngụy Thị Linh, chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi thừa nhận, toàn bộ số đồ chơi này được mua trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Để tiêu thụ sản phẩm đồ chơi mang tính chất bạo lực, Linh đã lợi dụng mạng xã hội https://facebook.com/chuclinhh/ và tài khoản mạng Zalo mang tên Chuclinhh để kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Theo Đội trưởng Đội QLTT số 1 Hoàng Đại Nghĩa, để đảm bảo môi trường phát triển an toàn cho trẻ, lực lượng QLTT Hà Nội đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, có xu hướng bạo lực. Thực tế, hiện nay trên phương tiện thông tin đại chúng đang có rất nhiều tin tức về các xung đột vũ trang trên thế giới, kèm theo đó là những hình ảnh bạo lực, kích động bạo lực. Vì vậy, hoạt động kinh doanh các sản phẩm đồ chơi có hình như súng nói trên có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách, tâm lý của trẻ.
Hiện, vụ việc đang được Đội QLTT số 1 tiếp tục kiểm tra, kiểm đếm để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.