Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thu hút vốn FDI: Thành công từ nâng chất, tăng hiệu quả

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, TP Hà Nội đã nỗ lực thu hút đầu tư và hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn phát triển ngày càng thuận lợi thông qua hoạt động xúc tiến.

Đây là điểm nhấn nổi bật, thể hiện trách nhiệm, năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý kinh tế của các cơ quan chức năng, qua đó khẳng định Hà Nội tiếp tục là địa điểm đầu tư an toàn, ổn định.

Bất chấp dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư vẫn chọn Hà Nội

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn nhưng Hà Nội tiếp tục thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Điểm nhấn nổi bật trong thu hút đầu tư là việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, cũng như nỗ lực quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư của TP Hà Nội. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020 thông qua 4 hội nghị Hợp tác đầu tư & Phát triển, Hà Nội đã trao quyết định đầu tư cho 264 dự án với tổng vốn hơn 854.000 tỷ đồng; ký hàng chục biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức, DN, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài giá trị hàng chục tỷ USD. Đặc biệt tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư & Phát triển” tổ chức tháng 6/2020, TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng so với năm 2019.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao chứng nhận đầu tư cho các dự án tại Hội nghị ''Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển''. Ảnh: Phạm Hùng
Đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết: Từ năm 2016 - 2019, các DN FDI đã đóng góp cho thu ngân sách đạt 3,416 tỷ USD; cung ứng việc làm cho trên 310.370 lao động (chiếm 11% số lao động trong các DN); Riêng năm 2019 là năm thứ 2 TP Hà Nội đứng đầu cả nước thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,669 tỷ USD. Trong giai đoạn này TP Hà Nội đã có 99.503 DN đăng ký thành lập (tăng 24% so với tổng số DN đăng ký trong 5 năm trước) với số vốn đăng ký là 1,225 triệu tỷ đồng (tăng 118% so với tổng số vốn đăng ký trong 5 năm trước). Riêng 11 tháng 2020, toàn TP Hà Nội đã thành lập mới 24.600 DN với số vốn đăng ký đạt 303,3 nghìn tỷ đồng.

Những thành quả thu hút vốn đầu tư của Hà Nội được nhiều nhà quản lý, giới chuyên gia đánh giá cao. Từ góc nhìn của giới đầu tư, Giám đốc Công ty Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia Kyle Kelhopher chia sẻ: "Hà Nội có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là về hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao hấp dẫn nhà đầu tư, dự án có hàm lượng công nghệ cao và đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng". Trong khi đó, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Takeo Nakajima xác nhận, có 41% DN Nhật Bản đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.

Rõ ràng, đây cũng là thông tin thú vị để Hà Nội tận dụng thứ hạng trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) qua đó gia tăng thu hút vốn đầu tư Nhật Bản.

Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi

Giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội xác định mục tiêu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD; tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường tăng 50% so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa tăng lên trên mức 30% vào năm 2025. Mặc dù đặt mục tiêu thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, nhưng theo Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương: TP Hà Nội đẩy mạnh hoạt động thu hút vốn FDI theo phương châm là thu hút có chọn lọc, hiệu quả. Để đạt mục tiêu này TP Hà Nội xây dựng chiến lược thu hút FDI với từng thị trường, dựa vào thế mạnh của họ. “Trong giai đoạn tới Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Mỹ, châu Âu, Australia và New Zealand sẽ là những thị trường mục tiêu TP Hà Nội hướng tới trong quá trình thu hút vốn FDI”- ông Phương nói.

Hiện, Hà Nội đang triển khai một số giải pháp gồm: Tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi; xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025; hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để giảm thời gian và chi phí cho DN trong việc đăng ký kinh doanh; kê khai và nộp thuế; bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng... Quan trọng hơn cả TP Hà Nội luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đẩy mạnh đào tạo lao động. Bên cạnh đó, TP cũng đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài là những chủ đầu tư dự án thuộc ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng: Từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội liên tục tổ chức hội nghị về hợp tác đầu tư thu hút một lượng lớn vốn FDI đã khẳng định nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư và quyết tâm đồng hành của chính quyền TP Hà Nội. Đây cũng là tiền đề để hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.

"Phát triển công nghệ số, cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ bán dẫn… sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô. Bên cạnh đó, TP có thể nghiên cứu, phát triển một số mô hình kinh tế đô thị và hoàn toàn có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước." - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng


Năm 2020, TP Hà Nội đã thu hút 1.907 triệu USD, trong đó có 662 triệu USD của 464 dự án cấp phép mới và 1.245 triệu USD của 132 dự án bổ sung vốn đầu tư; Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn đạt 1.280 triệu USD. Trong đó, phải kể đến một loạt dự án lớn đã được cấp phép trong những tháng đầu năm 2020 như: Dự án Nidec Chaun Choung Việt Nam (Nhật Bản) 174,5 triệu USD; Hanoi Lotte World Aquarium (Hàn Quốc) 47 triệu USD; Công trình văn phòng 29 Liễu Giai (Twin Peaks) tăng vốn 246 triệu USD...