Hà Nội thúc đẩy phát triển 3 vùng chăn nuôi hữu cơ
Theo định hướng phát triển đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1 - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng, đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi. Vùng chăn nuôi hữu cơ được Hà Nội xác định tập trung vào hai nhóm gia súc (bò, lợn) và gia cầm. Cụ thể, tại huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Gia Lâm (bò); huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ (lợn); huyện Quốc Oai (gia cầm)...

Mục tiêu đến năm 2030, số lượng bò thịt hữu cơ đạt 3.500 con, bò sữa hữu cơ đạt 650 con; lợn hữu cơ đạt 13.600 con, cùng với đó là khoảng 77.400 con gia cầm hữu cơ.
Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp cùng các địa phương rà soát, đánh giá, tổng hợp thực trạng, nhu cầu và điều kiện đáp ứng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ; làm căn cứ triển khai định hướng phát triển chung của TP. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ đánh giá dự báo về tiềm năng sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn TP, liên vùng.
Từ đó, tổ chức chăn nuôi hữu cơ trên cơ sở phù hợp điều kiện từng tiểu vùng sinh thái, nhu cầu của thị trường gắn với chuỗi giá trị, chuỗi kết nối cung cầu và đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm hữu cơ.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, hiện nay TP đã có Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT đẩy nhanh việc triển khai các nội dung thuộc Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg.
Trước mắt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phong trào chăn nuôi hữu cơ xa khu dân cư. Triển khai thí điểm các mô hình chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho 3 nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Bò, lợn và gia cầm, để từng bước nhân rộng mô hình.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, về lâu dài, TP sẽ nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát huy kiến thức bản địa; chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị. Đánh giá thực trạng các tiểu vùng sinh thái; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho những giống vật nuôi bản địa, đặc hữu có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Bí quyết giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trong chăn nuôi
Kinhtedothi - Trong chăn nuôi, chi phí đầu vào bao gồm nhiều khâu từ giống, thức ăn, phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật chăn nuôi... Việc tìm ra những giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí là điều hết sức quan trọng để tăng lợi nhuận.

Hỗ trợ tới 2 tỷ với dự án xúc tiến thương mại sản phẩm chăn nuôi
Kinhtedothi - Bộ NN&PTNT đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Trong đó đặc biệt ưu tiên về chính sách xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, với mức hỗ trợ tối đa lên tới 2 tỷ đồng/dự án.

Loay hoay giải bài toán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Kinhtedothi - Trung bình mỗi năm Việt Nam cần khoảng 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nhưng lại chỉ tự chủ được khoảng 37%, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.