Hà Nội thúc đẩy tiêu dùng xanh

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu dùng xanh, một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.

Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Doanh nghiệp chú trọng sản xuất xanh

Hiện nay, xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của cả người tiêu dùng và các DN sản xuất, phân phối nhờ tác động tích cực trong việc cải thiện chất lượng môi trường cũng như nâng cao sức khỏe của con người. Theo đó, người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm các sản phẩm lành mạnh và có ý nghĩa hơn, không chỉ là thực phẩm, đồ uống, thực phẩm bổ sung có thành phần hữu cơ mà còn hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường.

Lá chuối dùng bọc thực phẩm tại siêu thị trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Hoài Trang
Lá chuối dùng bọc thực phẩm tại siêu thị trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Hoài Trang

Tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, hiện các DN đã chú trọng nhiều hơn đến sản phẩm xanh. Đối với DN sản xuất, nhiều đơn vị đã xanh hóa quy trình sản xuất ngay từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường. Ngay cả việc cắt giảm phát thải, chuyển đổi sang các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hay làm mô hình kinh tế tuần hoàn… cũng là những giải pháp mà nhiều DN hiện nay đang áp dụng để sản xuất xanh. Đây cũng là tiêu chí để DN được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ví như Vinamilk đã thực hiện cuộc “cách mạng trắng” - mở rộng vùng nguyên liệu, xuất khẩu - vươn tầm quốc tế, cổ phần hóa...; liên tục phát triển các sáng kiến mới liên quan đến phát triển bền vững và đổi mới. Có thể kể đến sáng kiến máy sấy cỏ sử dụng năng lượng từ biogas. Biogas là loại năng lượng sạch với đầu vào là chất thải của đàn bò, qua các hệ thống xử lý hiện đại để cho ra phân bón, khí đốt và nước tưới. Trước khi có cải tiến này, cỏ khô chủ yếu được xử lý thủ công bằng cách phơi trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời. Cải tiến này không chỉ giúp đơn vị gia tăng năng suất mà còn tận dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng xanh, từ đó, hạn chế phát thải khí nhà kính. Hiện, Vinamilk đã thực hiện giảm phát thải được 13 - 15% tổng lượng phát thải hàng năm.

Hay như Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các DN thành viên. Cụ thể, các DN phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo… Bên cạnh đó, Vitas cũng phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững” nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Đồng thời, hỗ trợ được nhiều hơn cho các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may.

Trao đổi về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, chuyển dịch xanh không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành cam kết của nhiều nền kinh tế và các DN. Không một quốc gia nào có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - net zero nếu không có sự chuyển dịch toàn diện.

Sự vào cuộc tích cực của hệ thống bán lẻ

Không chỉ các DN sản xuất, không ít DN bán lẻ, đặc biệt là trên địa bàn Hà Nội cũng đã và đang áp dụng chương trình khuyến mại tặng quà đối với khách hàng đến mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần, nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông khi mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Có thể kể đến hệ thống bán lẻ Aeon Mall. Điểm nổi bật là “đại gia” bán lẻ hàng đầu này đã triển khai sáng kiến “rent a bag”, khách hàng có thể mượn túi môi trường trực tiếp tại các quầy thu ngân với chi phí 5.000 đồng/túi và được hoàn lại phí thuê khi trả túi tại quầy dịch vụ.

Theo đại diện Truyền thông và đối ngoại của Aeon Việt Nam, điều này giúp khách hàng không phải bỏ ra chi phí quá lớn để mua túi bảo vệ môi trường; việc cho thuê túi sẽ góp phần giúp người dân “ghi nhớ” việc mang túi khi đi mua sắm. Cùng với đó, Aeon cũng tặng 1.000 đồng trên mỗi hóa đơn “xanh” cho khách hàng, đưa vào áp dụng quầy thanh toán ưu tiên cho những khách hàng hưởng ứng thói quen mua sắm và tiêu dùng bền vững. “Từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2023, Aeon Việt Nam ghi nhận giảm đến hơn 11 triệu túi phân hủy sinh học (tương đương hơn 3,6 triệu giao dịch) trên toàn hệ thống” - đại diện truyền thông và đối ngoại Aeon Việt Nam cho biết.

Tương tự, WinCommerce đã, đang chung tay bảo vệ môi trường bằng việc triển khai loạt giải pháp “xanh” tại hệ thống siêu thị và siêu thị mini WinMart/WinMart +. Cụ thể, WinCommerce sử dụng 100% túi ni lông tự hủy sinh học; đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng một lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành.

Hay như “Hội chợ tiêu dùng xanh - sản phẩm an toàn TP Hà Nội năm 2023” được tổ chức tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Ocean Park xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm cách đây hơn một tháng. Với 150 gian hàng của hơn 100 đơn vị tham gia đến từ các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội và các tỉnh, TP cho thấy, xu hướng xanh đang trỗi dậy ở nhiều "mặt trận" trên địa bàn TP. Chị Đặng Mão (Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm) cho biết, nghe tin có hội chợ này, chị cũng đã cùng gia đình đến đây để mua thực phẩm ngon, sạch. “Giá hàng sạch có cao hơn so với sản phẩm thông thường nhưng ăn ít mà an toàn vẫn hơn” - chị Đặng Mão nói.

Được biết, nhằm thay đổi nhận thức tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024. TP phấn đấu đến hết năm 2024, 60 - 70% chợ truyền thống và 100% siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi ni lông khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy...

Theo đó, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động DN sản xuất, phân phối cùng chung tay giảm phát sinh rác thải nhựa từ sản xuất đến tiêu dùng. Đến nay, đã có 16 đơn vị, DN vận hành 150 siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở bán lẻ trên địa bàn TP đăng ký tham gia “Liên minh bán lẻ giảm tiêu thụ túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần”; cam kết cùng phối hợp giảm tiêu thụ túi ni lông dùng một lần tại các siêu thị, cơ sở bán lẻ thuộc DN quản lý.

 

Với mục đích góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến người dân và cộng đồng DN, thời gian qua, tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP Hà Nội, các sản phẩm dùng một lần, như khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía thay thế túi ni lông và đồ nhựa được sử dụng phổ biến. Ngoài ra, rau, củ, quả được gói bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ống hút nhựa được thay bằng ống hút sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa, mía…). Đây là tín hiệu đáng mừng cho hành trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP 26 đưa phát thải ròng bằng 0 năm 2050.
Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, TS
Hoàng Dương Tùng