Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thực hiện các giải pháp và hành động nhằm đạt mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến dịch “K = K” (Không phát hiện = không lây nhiễm HIV) là cơ hội chưa từng có đổi cuộc sống của người nhiễm HIV. Người chồng bị nhiễm HIV khi điều trị ARV đều đặn vẫn có thể quan hệ tình dục với vợ nhưng không bị lây nhiễm và có con bình thường.

Chiều 7/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban báo chí về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, với chuyên đề điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS. Hội nghị với sự chủ trì của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà.
Bà Lã Thị Lan thông tin, những ai phát hiện và đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV sẽ được thưởng lên tới 1,8 triệu đồng. Ảnh: Thủy Trúc
Bà Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) thông tin, năm 2018, Hà Nội phát hiện mới khoảng 1.290 trường hợp nhiễm HIV.
Tại Hà Nội cũng như Việt Nam, trong 10 năm qua, cả 3 tiêu chí là số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm đều giảm nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn thách thức. Điều đáng nói, lây nhiễm qua đường tình dục tăng mạnh đã trở thành phương thức lây truyền chủ yếu trong thời gian gần đây (tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018 tại Hà Nội).
Vì vậy, Hà Nội đã thực hiện các giải pháp và hành động, can thiệp dự phòng phù hợp hạn chế sự lây lan HIV nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS. Theo đó, một chiến dịch truyền thông K = K (Không phát hiện = Không lây nhiễm HIV) được Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội phối hợp với các đối tác khác triển khai tại Hà Nội từ tháng 5 đến tháng 9/2019.
Chiến dịch này tăng cường tiếp cận sớm vào chương trình chăm sóc, điều trị và duy trì điều trị ARV, theo dõi xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ của bệnh nhân HIV/AIDS, theo dõi xét nghiệm tải lượng HIV đình kỳ của bệnh nhân HIV/AIDS ở các phòng khám ngoại trú tại Hà Nội. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế thông qua hiểu biết về K = K.
Về phía người sử dụng ARV, K = K giúp họ có mục tiêu rõ ràng để có cuộc sống khỏe mạnh bình thường và không còn sợ bị lây truyền HIV cho bạn tình. Cặp đôi dị nhiễm đang mong muốn có thai cũng có thể thụ thai mà không còn e sợ nguy cơ lây truyền nếu bạn tình có HIV đang điều trị ARV và duy duy trì tải lượng virus “không phát hiện”. Mặt khác, nguy cơ lây truyền HIV cho đứa trẻ cũng được giảm thiểu nếu phụ nữ mang thai có HIV duy trì tình trạng ức chế virus. Không chỉ thế, người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus ở mức không phát hiện, không cần dùng bao cao su và không làm lây truyền HIV qua đường tình dục.
Về mặt sức khỏe cộng đồng, K=K xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và là nền tảng cho chiến lược “Điều trị là dự phòng”. K=K cũng là bước tiến quan trọng để Việt Nam cùng với cả thế giới hướng đến mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Bà Lan cũng cho biết, để tăng số người nhiễm HIV vào điều trị thuốc ARV, Chương trình phòng chống AIDS Hà Nội đã áp dụng các mức thưởng cho bất kỳ ai đưa được người nhiễm HIV vào điều trị ARV. Tùy theo nguồn hỗ trợ, các mức thưởng có thể khác nhau. Nhưng, mức cao nhất lên đến 1,8 triệu đồng cho 1 người đưa được người nhiễm HIV vào điều trị.