Điều này đã góp phần giúp TP hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị và xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Xây dựng Đảng là nhiệm vụ “xương sống, cốt lõi”
Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, có vị trí, vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế; với dân số chiếm khoảng 8,5% của cả nước. Trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới sau giải phóng đến nay và thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008, của Quốc hội “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy trực thuộc đã bám sát các nghị quyết, kết luận của T.Ư để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp của TP.
Qua Nghị quyết tại các kỳ Đại hội cho thấy, Thành ủy Hà Nội đã luôn nghiên cứu xây dựng, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xác định đây là nhiệm vụ “xương sống”, “cốt lõi”. Gần đây nhất, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm vụ này lại một lần nữa được nhấn mạnh và đề cao.
Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội TP kịp thời cụ thể hóa thành các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, chương trình hành động sát với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây là cơ sở và định hướng đặc biệt quan trọng để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Trong đó tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Từ năm 2020 đến nay, toàn Đảng bộ đã kết nạp 31.706 đảng viên mới. Trung bình mỗi năm đầu đạt trên 9.500 đảng viên và riêng năm 2022 kết nạp được 10.183 đảng viên. Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU (2017-2022) ngày 4/7/2017 “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, đã củng cố xong 251/277 TCCSĐ do Ban Chỉ đạo TP theo dõi; 90/103 TCCSĐ do cấp ủy cấp trên cơ sở theo dõi. Tính riêng 2021-2022, TP đã củng cố được 58 TCCSĐ…
Theo báo cáo sơ kết công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các cấp giữa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII cho thấy, ngay sau Đại hội, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết và 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII đã chủ động, sớm cụ thể hóa, xây dựng và ban hành 10 Chương trình công tác toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong đó, Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17/3/2021 về "Tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025" là chương trình cốt lõi, xương sống với quyết tâm cao là xây dựng cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu; quán triệt quan điểm "dân là gốc"; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Theo đó, Thành ủy và các cấp ủy đã ban hành và triển khai 777 đề án, kế hoạch, nghị quyết, chuyên đề thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được quan tâm đổi mới, có nhiều sáng tạo phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Theo đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác tuyên giáo. Tích cực đổi mới, sáng tạo, đa dạng các hình thức tuyên truyền, quán triệt, học tập nghị quyết các cấp và là địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến và phát sóng trực tiếp trên truyền hình đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Số lượng mỗi đợt hội nghị bình quân mở khoảng 236 điểm cầu, đến 766 điểm cầu có gần 52.000 đại biểu tham gia học tập là cán bộ chủ chốt TP, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.
Thành phố cũng chú trọng phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy truyền thống "nghìn năm văn hiến" của Thủ đô. Thành ủy sớm ban hành và triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" - đi đầu trong cả nước về việc cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Qua đó, tạo bước đột phá mới trong bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Song song với đó, TP tiếp tục đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, liên thông, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, TP lựa chọn trúng và đúng các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bài bản thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ kể từ ngày 1/7/2021. Cơ bản đến nay, Thành ủy đã chỉ đạo, thực hiện xong việc kiện toàn, sắp xếp tố chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền theo quy định và đi vào hoạt động ổn định.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên gắn với việc củng cố cơ sở đảng yếu kém theo Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Nổi bật là Đề án số 11-ĐA/TU ngày 06/12/2021 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ TP Hà Nội trong tình hình mới”; Đề án số 20- ĐA/TU ngày 24/10/2022 về "Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên trong tình hình mới"… Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai ứng dụng phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" và "Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên" từ 1/1/2023. Hiện có 435.783 đảng viên của TP cài đặt thành công "Sổ tay đảng viên điện tử", kết nối mạng diện rộng của Đảng đến 579/579 đảng ủy xã, phường, thị trấn.
Cùng với đó, với việc ban hành và triển khai đồng bộ, bài bản, quyết liệt hệ thống các văn bản về công tác tổ chức, đảng viên từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng tổ chức đảng, đảng viên. Số lượng đảng viên mới kết nạp và tỷ lệ tổ chức đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII và Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy...
Vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách Nhà nước vào thực tiễn
Để có được kết quả như trên, Thành uỷ Hà Nội rút ra được 4 bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của TP: Một là, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm của Đảng bộ, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Thành phố cũng triển khai hiệu quả Kết luận số 67-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước giai đoạn 2020-2025" với kết quả hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm. Toàn TP thành lập 221 tổ chức đảng, với 1.845 đảng viên, kết nạp 15 chủ DN nghiệp vào Đảng; thành lập 1.731 tổ chức đoàn thể, với 109.624 đoàn viên, hội viên. Hoàn thành việc thành lập Đảng bộ Khối DN của 30/30 quận, huyện, thị ủy.
Hai là, luôn quán triệt và chấp hành nghiêm túc, đồng thời vận dụng sáng tạo, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tiễn của Thủ đô. Ba là, luôn quán triệt, coi trọng công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là nhân tố hàng đầu quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Bốn là, đổi mới hiệu quả phương thức lãnh đạo, quan tâm lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm; chỉ đạo, điều hành với tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả. Phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy mạnh mẽ dân chủ ở cơ sở; tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vào ngày 9/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong công tác xây dựng Đảng.
Chỉ đạo các nhiệm vụ của Đảng bộ Thủ đô thời gian tới, nhất trong công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu TP Hà Nội thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ "then chốt", bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác.
Trong đó, TP phải bám sát những tư tưởng chỉ đạo, tinh thần mới trong Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành T.Ư về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
“Tôi hoan nghênh Hà Nội vừa qua đã có những đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng; thực hiện tinh gọn bộ máy phù hợp với chủ trương, định hướng của T.Ư nhưng phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết là đoàn kết nội bộ trong các cấp ủy, chính quyền, và đặc biệt là đoàn kết trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng và mong rằng trong thời gian tới, với bản lĩnh chính trị, trí tuệ, khát vọng phát triển thì nhất định TP Hà Nội sẽ tranh thủ được thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đã đề ra. Đồng thời, xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, Nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc...