Theo Kế hoạch, biến đổi khí hậu (viết tắt là BĐKH) trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21: Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh và đang là mối lo ngại của các quốc gia trên thế giới. BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội trong tương lai. Các công trình hạ tầng được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện tại sẽ không an toàn và khó cung cấp đầy đủ các dịch vụ trong tương lai.
Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. BĐKH thực sự đã khiến thiên tai, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán ngày càng ác liệt. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3 độ C và mực nước biển có thể dâng khoảng 1m vào năm 2100. Nếu mực nước biển dâng 1 m, khoảng 40.000 km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hầu như hoàn toàn (Bộ TNMT, 2003); sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%.Hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước; Các lĩnh vực, ngành, địa phương dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu là: Tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, sức khỏe; các vùng đồng bằng và dải ven biển.Đối với Thủ đô Hà Nội, kết quả tổng hợp thống kê các số liệu về các yếu tố khí tượng tại các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn từ năm 1961 đến nay cho thấy: Lượng mưa có xu thế chung là tăng, giá trị trung bình tổng lượng mưa năm tăng từ 1.249,4mm (giai đoạn trước 1975) lên 1.676,1mm (giai đoạn 1975 - 2005) và 1630,4 mm (giai đoạn 2005 - 2013), tăng khoảng 25%; chênh lệch lượng mưa giữa tháng lớn nhât và tháng nhỏ nhất lớn từ 50 - 80 lần; giá trị mưa ngày lớn nhât có xu thê tăng mạnh từ 175,7mm (giai đoạn trước 1975) lên 185mm (giai đoạn 1975 - 2005) và đạt 347mm (giai đoạn 2005 - 2013). Nhiệt độ trung bình năm qua các giai đoạn có xu thế tăng, giai đoạn trước 1975 là 27,05 độ C, đến giai đoạn 1975 - 2005 là 27,8 độ C và giai đoạn từ 2005 - 2010 là 28,2 độ C; Nhiệt độ tối cao tăng mạnh từ 33,08 độ C (giai đoạn trước 1975) lên 33,74 độ C (giai đoạn 1975 - 2005) và đạt 34,8 độ C (giai đoạn 2005 - 2013).
Việc thực hiện thỏa thuận Paris được thực hiện phân kỳ theo 02 giai đoạn: Giai đoạn từ 2018 đến 2020 và giai đoạn từ 2021 đến 2030, bao gồm thực hiện các nhóm nhiệm vụ: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị nguồn lực; thiết lập hệ thống công khai minh bạch; xây dựng và hoàn thiện chính sách.Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, tổ chức theo dõi, báo cáo đánh giá quá trình thực hiện Kế hoạch.