Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm, đảm bảo an sinh xã hội

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bám sát chủ đề thi đua “Trách nhiệm – hiệu quả - vì sự hài lòng của người dân và DN Thủ đô”, năm 2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở khắp các đơn vị trực thuộc. Qua đó, ngành tạo động lực, thúc đẩy các đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Cán bộ BHXH tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Nỗ lực vượt khó thời Covid-19
Năm 2020, TP Hà Nội đã đạt 16/22 chỉ tiêu kinh tế xã hội, trong đó BHXH TP được giao 3 chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT, tỷ lệ số người tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tốc độ gia tăng BHXH tự nguyện. Đáng chú ý, cả 3 chỉ tiêu đều hoàn thành và vượt kế hoạch TP giao.

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, thời gian qua, BHXH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đại lý thu triển khai chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô. Tính đến 31/12/2020, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,1% dân số, hoàn thành chỉ tiêu HĐND, UBND TP giao năm 2020. Cụ thể, số người tham gia BHYT là 7.239.094 người, tăng 3,4% so với năm 2019. Số lượt khám, chữa bệnh (KCB) BHYT tăng nhanh với 11 triệu lượt người. Trong đó, quyền lợi của người tham gia BHYT đã được mở rộng hơn. Người dân đều nhận thấy rõ lợi ích khi tham gia BHYT, nhất là chất lượng KCB BHYT ngày càng được nâng cao. Danh mục thuốc, dịch vụ KCB BHYT được mở rộng… Tất cả những kết quả đó đã góp phần vào thực hiện tốt chính sách BHYT nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung trên địa bàn TP.

Đặc biệt, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, tuy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng các chỉ tiêu về số người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, BHYT, BHXH tự nguyện đều tăng so với năm 2019. Trong đó, tính đến 31/12/2020, tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc đạt 95% trên số lao động thuộc diện phải tham gia, hoàn thành kế hoạch HĐND, UBND TP giao. Cụ thể, số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.797.337 người, chiếm 38,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,1% so với năm 2019. Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH được đảm bảo, kịp thời. Trong năm 2020, BHXH TP đã giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho 920.234 lượt đối tượng với số tiền 7.113 tỷ đồng, trong đó giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phụ hồi sức khỏe cho 511.235 lượt người với số tiền 3.919 tỷ đồng.

Trải qua đợt dịch Covid-19, nhiều DN và người lao động trên địa bàn TP Hà Nội đã nhận thức rõ hơn sự cần thiết, tính ưu việt, nhân văn của chính sách BH thất nghiệp, nhiều người đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đảm bảo ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, số người tham gia BH thất nghiệp trên địa bàn đã tăng cao. Đến nay, số người tham gia BH thất nghiệp là 1.732.778 người, tăng 5,4% tương ứng tăng 90.128 người so với năm 2019, đạt 100,06% kế hoạch; đạt 96% số người thuộc diện tham gia BH thất nghiệp (vượt 1% so với chỉ tiêu HĐND TP giao là 95%).

Đáng chú ý, dù có quãng thời gian bị ngừng các hoạt động tuyên truyền, đối thoại trực tiếp do thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, nhưng năm qua, BHXH TP Hà Nội đã tạo được “sức bật” ấn tượng trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đến nay, toàn TP đã có 48.674 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,81% lực lượng lao động, tăng 37,6% so với năm 2019. Tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt 37,6%, vượt 7,6% kế hoạch HĐND, UBND TP giao.

Cụ thể hóa chương trình công tác

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, phát huy kết quả đạt được, trong năm 2021, BHXH TP tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, TP Hà Nội để cụ thể hóa vào chương trình công tác của BHXH TP và triển khai, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, BHXH TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp để hoàn thành vượt chỉ tiêu BHXH Việt Nam và UBND TP Hà Nội giao năm 2021 với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,5% dân số. Số người tham gia BHXH đạt 39% số người trong độ tuổi lao động. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm trên 1% lực lượng lao động. Số người tham gia BH thất nghiệp đạt 37% lực lượng lao động. Đồng thời, BHXH TP tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm pháp luật, nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT.

Cùng với đó, BHXH TP đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Người làm việc thường xuyên tại các làng nghề truyền thống, người hoạt dộng không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, người buôn bán nhỏ, học sinh sinh viên,... nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH. BHYT, tiến tới BHXH, BHYT toàn dân.

Toàn hệ thống BHXH TP tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100% các đơn vị tham gia BHXH, BHYT, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. “Năm tới, BHXH TP tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đồng thời đổi mới phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, chất lượng”- Giám đốc BHXH Hà Nội cho hay.
BHXH TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3546/QĐ-BHXH về việc thành lập Ban Chỉ đạo truyền thông và triển khai ứng dụng VssID- BHXH số. Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tập trung triển khai hiệu quả ứng dụng VssID - BHXH số trên địa bàn TP Hà Nội; chỉ đạo BHXH quận, huyện, thị xã đăng ký, cài đặt sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số đến các đơn vị tham gia BHXH, BHYT và đại lý thu trên địa bàn; bố trí các bàn đăng ký di động tại các khu công nghiệp, các cơ sở khám chữa bệnh.

Ban Chỉ đạo yêu cầu BHXH quận, huyện, thị xã cử đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, phê duyệt cấp tài khoản, hỗ trợ, hướng dẫn người đăng ký cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID; tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị của người lao động, người dân. Các đơn vị kiểm tra, đôn đốc, đánh giá công tác truyền thông, triển khai ứng dụng VssID- BHXH số; tổ chức sơ, tổng kết và đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân trong việc triển khai công tác truyền thông, hướng dẫn đăng ký, cài đặt sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số…
“Thực hiện chương trình công tác năm 2021, BHXH TP yêu cầu các đơn vị thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ngành BHXH chủ động phối hợp với các đơn vị tăng cường giải pháp thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT. Các đơn vị xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra chi tiết theo từng tháng, đẩy mạnh triển khai thực hiện ngay từ tháng 1/2021. Đồng thời, ngành cũng thường xuyên đánh giá chất lượng các đoàn thanh, kiểm tra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nợ đóng, trốn đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH theo quy định. Ngành BHXH tập trung phân tích, phân loại DN nợ BHXH theo loại hình sản xuất, kinh doanh, số tháng nợ, xác định nguyên nhân nợ, qua đó đề xuất và phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm về lao động, BHXH, BHYT. Các đơn vị xây dựng, giao chỉ tiêu kế hoạch thu, giảm nợ từ cấp trưởng, cấp phó đến từng viên chức quản lý thu, thu nợ…”

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa