Hà Nội thuộc nhóm “có nguy cơ”, có thể mở cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu, nhưng bảo đảm phòng, chống dịch

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng xếp Hà Nội thuộc nhóm “có nguy cơ”, đồng thời lưu ý, một số địa phương của Hà Nội “nguy cơ cao” như huyện như Mê Linh, Thường Tín và một số địa phương có ca nhiễm chưa qua 14 ngày.

Chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có việc xem xét danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ và đưa ra các quyết sách mới.
Phiên họp có sự tham dự trực tuyến của các bộ, ngành địa phương. Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý...
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19
Nhóm nguy cơ cao sẽ tiếp tục cách ly xã hội thêm 1 tuần 
Trước đó, qua tổng hợp các tiêu chí và hoạt động các địa phương,Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ như sau:

Nhóm nguy cơ cao: Hà Nội.

Nhóm nguy cơ gồm: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang.

Nhóm nguy cơ thấp: gồm các địa phương còn lại.

Ban chỉ đạo Quốc gia kiến nghị đối với nhóm nguy cơ cao: Tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 01 tuần nữa (đến hết 30/4/2020). Tuy nhiên, xin Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm có nguy cơ: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm nguy cơ thấp: Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.
Hà Nội đề xuất xếp vào nhóm " có nguy cơ"

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua, cơ bản người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc biệt là Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như hướng dẫn, chỉ đạo Trung ương và của Bộ Y tế.

Về khả năng xét nghiệm, cả test nhanh và xét nghiệm PCR, thành phố có thể thực hiện được từ 5.000 - 6.000 mẫu/ngày. Thành phố cũng đã tiến hành đào tạo cho cán bộ cho đến tận trạm y tế, các phòng y tế và 105 các đội phản ứng nhanh của các quận, huyện, một ngày có thể lấy được từ 2.500 - 3.000 mẫu. Mẫu Test nhanh do Bộ Y tế cung cấp thông qua Tập đoàn Vingroup tài trợ, vừa qua thành phố đã thử nghiệm test nhanh tại 7 chợ đầu mối, kết quả đều âm tính.

Về khả năng truy tìm vết để khoanh vùng dập dịch, hiện nay thành phố đã xây dựng hệ thống từ ban quản lý toà nhà cho đến tổ dân phố, đến tất cả các trạm y tế, mỗi xã, phường, thị trấn khi có trường hợp cần xác minh thì các đơn vị có thể tự trao đổi thông tin với nhau mà không cần phải họp tại quận hay tại thành phố nên khả năng truy tìm rất nhanh lên.

Đối với việc quản lý các trường hợp cách ly, đều được đưa lên khu cách ly tập trung, nếu có dấu hiệu khó thở, ho hoặc sốt, được chuyển cách ly tại bệnh viện, sau khi xét nghiệm âm tính mới đưa đến khu cách ly tập trung.

Thành phố cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc cách ly những trường hợp đi từ nước ngoài về trên địa bàn. Đối với trường hợp đã khỏi bệnh, Thành phố vẫn yêu cầu cách ly tại nhà ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, nhưng  cam kết tự nguyện tiếp tục cách ly đủ 30 ngày.

Từ thực tế trên địa bàn thành phố từ khi diễn ra dịch (6/3 đến nay), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế, Hà Nội thực hiện nghiêm túc việc xác minh, khoanh vùng và xét nghiệm.

Ở Hà Nội, nổi lên có 2 ổ dịch lớn liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, và ở thôn Hạ Lôi. Đối với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, đến nay đã qua 14 ngày không phát hiện các ca mới. Về ổ dịch Hạ Lôi, thành phố đã khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn, từ ngày 8-12/4 thành phố đã lấy xét nghiệm toàn bộ 12.000 trường hợp và phát hiện một số trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, tất cả các thôn xung quanh hoặc tất cả những người có liên quan đến chợ hoa Mê Linh đều được thành phố xác minh (khoảng 1.700 người) và lấy mẫu xác minh.

Nếu theo tính toán như Ban chỉ đạo Quốc gia, ca cuối cùng Hà Nội phát hiện và công bố vào ngày 14/4, như vậy đến nay được 8 ngày. Nhưng nếu tính từ ngày Hà Nội phát hiện ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh và đã đưa vào cách ly toàn bộ thôn từ 7/4, đến nay đã qua 14 ngày.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp

Từ tình hình thực tiễn như vậy, trong thời gian vừa qua thành phố Hà Nội có 2 báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, trong đó, 1 báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất cách ly xã hội đến ngày 30/4. Đề xuất trên cơ sở phân tích tình hình dịch bệnh diễn ra trên thế giới, Việt Nam và tại Hà Nội, trong đó, cùng có xuất phát ca bệnh có liên quan đến địa bàn Bắc Ninh và số công nhân liên quan đến công ty Samsung Bắc Ninh còn phức tạp.

Cùng với đó là việc phát hiện thêm trường hợp tại huyện Thường Tín không có triệu chứng. Nhưng đến nay thành phố đã xét nghiệm toàn bộ những người có liên quan, kết quả đều âm tính. Các trường hợp F1 đến ngày 28/4 sẽ cho về nhà. Các đối tượng F2 cũng đang được quản lý chặt chẽ tại nhà, cộng đồng dân cư.

Căn cứ tình hình thực tế, ngày 21/4 Ban Chỉ đạo thành phố đã xin ý kiến của đồng chí Bí thư Thành uỷ và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, sáng 22/4, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố Hà Nội có công văn gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương đề xuất Hà Nội vào xếp vào nhóm "có nguy cơ".

Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm việc phòng, chống bệnh tật trên địa bàn thành phố, nếu được Thủ tướng quyết định trong trường hợp này, Hà Nội vẫn sẽ tạm dừng hoạt động đối với tất cả các dịch vụ thể thao và các dịch vụ văn hoá, lễ hội, karaoke, massage, các trò chơi điện tử.

Hiện nay Thành phố đã cơ bản xác minh được những người liên quan đến ổ dịch Bạch Mai với gần 32.000 người, ổ dịch thôn Hạ Lôi, Mê Linh với khoảng 15.000 người, ngoài ra, các trường hợp khác cũng đã xác minh làm rõ.
"Nếu Ban Chỉ đạo Quốc gia xếp vào nhóm các tỉnh "nguy cơ cao", cách ly xã hội thêm 1 tuần nữa sẽ rất khó khăn, các hoạt động ngoài tỉnh, lao động phổ thông không thể vào Hà Nội; hoặc nếu có nối lại đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh nhưng một đầu (TP Hồ Chí Minh) nhóm "nguy cơ" trong khi Hà Nội nhóm "nguy cơ cao"... sẽ khó cho công tác quản lý", Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích.
Theo Chủ tịch, ngay cả khi Hà Nội được xếp vào nhóm " có nguy cơ", nhưng công tác phòng dịch của Hà Nội cũng bảo đảm, phản ứng, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng dập dịch tốt không để lây lan ra cộng đồng...
Ngoài ra, Chủ tịch cũng cho biết, trong giai đoạn này học sinh chưa đi học, TP đưa ra kế hoạch dự kiến, sau ngày 3/5, các trường từ bậc PTTH đến bậc đại học đi học từ ngày 4/5, các trường THCS, tiểu học và mẫu giáo đi học sau đó 1 tuần từ ngày 11/5.
Sau khi nghe TP Hà Nội báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại va chạm trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Giai đoạn chống dịch “dài hơi” hơn

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng do Ban chỉ đạo đề xuất. Trong đó, Thủ tướng xếp Hà Nội thuộc nhóm "có nguy cơ", đồng thời Thủ tướng lưu ý: "Hà Nội là địa phương "có nguy cơ" nhưng một số địa phương của Hà Nội "nguy cơ cao" như huyện như Mê Linh, Thường Tín và một số nơi có ca nhiễm chưa qua 14 ngày".

Do vậy, chưa áp dụng một số biện pháp đối với nhóm "nguy cơ cao" đối với Hà Nội mà chỉ áp dụng với một số địa phương cụ thể ở Hà Nội. Đối với Hà Giang, dù xếp ở nhóm "có nguy cơ" nhưng huyện có bệnh nhân dương tính thì đó là địa phương "nguy cơ cao".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn Hà Nội tiếp tục thực hiện việc cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg; còn các địa phương có nguy cơ thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm quyết định, phân loại các nhóm địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao hay nhóm có nguy cơ trên địa bàn; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đối với từng địa phương, khu vực. Thủ tướng cũng đồng ý để Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác nới lỏng dần một số hoạt động xã hội, nhưng phải bảo đảm an toàn; không để dịch lây lan…

Để thích nghi, sống an toàn trong bối cảnh còn dịch Covid-19, Thủ tướng chính phủ yêu cầu thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; nâng cao năng lực y tế để có thể chủ động ứng phó với các diễn biến mới. Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường, đeo khẩu trang khi ra đường và đến nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn giữa người với người…

Thủ tướng cũng cho biết, áp dụng cách ly xã hội nên 6 ngày qua, cả nước không ghi nhận ca nhiễm mới nào, riêng ở TP Hồ Chí Minh là 19 ngày.  Đây là một thắng lợi để chúng ta chuyển sang một giai đoạn chống dịch “dài hơi” hơn, cùng với các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

“Yêu cầu không để dịch tàn phá đất nước, mạng sống của người dân là quan trọng nhất” - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các cấp các ngành thực hiện các biện pháp quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại. Cùng với các biện pháp ứng phó với dịch bệnh, phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là yêu cầu mới.