Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tiếp tục coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/1 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế chỉ có thể được thực hiện hiệu quả với sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực chủ động của các địa phương, doanh nghiệp. Do đó, việc triển khai Hội nghị lần này nhằm nắm bắt sâu hơn nhu cầu phát triển kinh tế và DN từ đó đề ra phương hướng trong năm 2022.

Báo cáo kết quả công tác ngoại giao kinh tế 2021, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong năm qua, bất chấp những thách thức chưa từng có tiền lệ, công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng đã đạt những kết quả quan trọng.

Quang cảnh hội nghị từ điểm cầu Hà Nội
Quang cảnh hội nghị từ điểm cầu Hà Nội

Bên cạnh ngoại giao vaccine là điểm sáng, Bộ Ngoại giao đã tích cực tiếp nhận những chia sẻ về khó khăn từ các DN nước ngoài để tháo gỡ và tìm biện pháp giải quyết. Nhìn chung cho đến nay cộng đồng DN đầu tư khá hài lòng, hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng vẫn được duy trì. Nội dung ngoại giao kinh tế đã được lồng ghép mạnh mẽ trong các hoạt động đối ngoại trực tiếp và trực tuyến.

Trao đổi về trọng tâm công tác 2022, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhận định, có 3 xu hướng đang nổi lên, đó là: phục hồi kinh tế thế giới nhìn chung tích cực, việc thích ứng và sống chung với dịch đang là xu hướng chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng cường hợp tác kinh doanh; đồng thời xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng rõ nét.

Trong bối cảnh đó, ngoại giao kinh tế tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ như tăng cường công tác nghiên cứu tham mưu về chiến lược dài hạn để tham mưu cho chính phủ, kinh nghiệm mở cửa kinh tế, phục hồi kinh tế; mở rộng các nguồn lực phát triển mới, tổ chức các hội nghị với các quỹ đầu tư, tăng trưởng xanh…

Quang cảnh hội nghị, từ điểm cầu Hà Nội
Quang cảnh hội nghị, từ điểm cầu Hà Nội

Bên cạnh đó, hoạt động kết nối đối tác với các địa phương sẽ tiếp tục được quan tâm. Dự kiến Bộ Ngoại giao sẽ triển khai 300 hoạt động về ngoại giao kinh tế trong đó có phối hợp với các địa phương và tổ chức.

Thứ trưởng cũng lưu ý cần tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, tăng cường quan hệ kinh tế với các đối tác kinh tế lớn; Tập trung hỗ trợ một số ngành kinh tế trọng điểm, nâng tầm giá trị, FDI chất lượng cao, nâng cao năng lực y tế, công tác ngoại giao vaccine, đồng thời mở đường hỗ trợ địa phương về công nghệ sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh, nhân lực chất lượng cao…

Tại hội nghị, lãnh đạo và đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng các địa phương đã sôi nổi trao đổi về thành quả công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2021 cũng như có đề xuất kiến nghị, chia sẻ về đường hướng hoạt động trong thời gian tới.

Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, đứng trước nhiều thách thức, năm qua, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để vừa kiểm soát, khống chế dịch bệnh, vừa đảm bảo hoạt động kinh tế và an sinh xã hội.

Theo đó, TP đã nỗ lực tăng cường tạo điều kiện cho các DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, đầu tư, xuất khẩu theo nhiều cách khác nhau. TP cũng tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, mặt hàng có thế mạnh của địa phương, đổi mới công tác xúc tiến thương mại thông qua kết hợp các phương thức truyền thống và ứng dụng trên nền tảng số, các kênh thương mại điện tử; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối tại các thị trường lớn của thế giới.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã chủ động tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn trong bối cảnh dịch Covid-19.

“Nhờ những nỗ lực vượt khó đó, kinh tế Hà Nội năm 2021 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. GRDP tăng 2,92%, cao hơn mức trung bình của cả nước”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết.

Trong năm 2022, Phó Chủ tịch cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại kinh tế để phục vụ phục hồi và phát triển bền vững; tiếp tục coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm.  Theo đó, TP sẽ nỗ lực kịp thời cập nhật thông tin về thị trường các nước, kết nối nhu cầu hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp, đón bắt các làn sóng đầu tư – thương mại trên thế giới.

Đồng thời,  chọn lọc, ưu tiên các hoạt động hợp tác phù hợp với thế mạnh của đối tác và tiềm năng, nhu cầu của TP cũng như nguồn lực có hạn trong tình hình mới.

TP cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cấp các ngành, tăng tính liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến.

Một trong những trọng tâm của TP năm tới là đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ODA, các dự án hợp tác đầu tư quy mô lớn, cũng như phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương nâng cao hiệu quả triển khai các FTA đã có hiệu lực. 

Theo Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn, Hà Nội cũng sẽ tập trung nguồn lực để chỉ đạo tổ chức thành công các sự kiện quốc gia, quốc tế lớn trên địa bàn như SEA Games 31 và Para Games 11 nhằm tận dụng cơ hội quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.