Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 6/9: Siết chặt quy định, xử lý nghiêm vi phạm

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 2 đợt giãn cách xã hội, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội đã bước đầu được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng tại một số khu có mật độ dân số đông, yêu cầu, nhiệm vụ TP đặt ra trong 15 ngày tiếp tục giãn cách xã hội tiếp theo tại Công điện số 19/CĐ-UBND là phải thực hiện quyết liệt, thực chất hơn nữa, “ai ở đâu ở yên đấy”

Tổ công tác đặc biệt CA TP Hà Nội xử phạt người dân ra đường không tuân thủ giãn cách xã hội trên phố Trần Duy Hưng. Ảnh: Thanh Hải
Bóc tách F0, giữ vững và mở rộng “vùng xanh”
Như nhận định của các chuyên gia y tế cũng như lãnh đạo các quận, huyện, 15 ngày giãn cách vừa qua (9 - 23/8), Hà Nội tiếp tục tận dụng hiệu quả thời gian này để truy vết, khoanh vùng, bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng... Số ca mắc mới được phát hiện tăng mạnh, có ngày ghi nhận lên tới hơn 100 người, cho thấy giãn cách là giải pháp đúng và trúng. Trong thời gian giãn cách xã hội đợt 2 này, song song với chiến dịch tiêm chủng vaccine, một điểm nhấn được TP Hà Nội triển khai để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng là lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Theo đó, để kịp tiến độ đề ra, TP đã huy động hơn 20 bệnh viện, đơn vị trên địa bàn tham gia xét nghiệm diện rộng bằng kỹ thuật RT-PCR. Tính đến chiều 21/8, toàn TP đã lấy được 788.106 mẫu, trong đó số mẫu dương tính là 49 (gồm 4 mẫu thuộc đối tượng sinh sống trong khu vực phong tỏa, 45 mẫu là người sinh sống trong khu vực nguy cơ). Kết quả này cho thấy, cách làm của TP là rất trúng và đúng, bởi qua xét nghiệm diện rộng cho thấy có khá nhiều ca nhiễm trong cộng đồng.

Một điểm nhấn nữa TP đã làm được trong đợt giãn cách này là các phường, xã trên địa bàn đã thiết lập chốt bảo vệ "vùng xanh" tại hàng nghìn các khu dân cư, thôn, xóm, tổ dân phố… để phòng, dịch Covid-19. Tại các chốt, chính người dân là những lực lượng tự quản, kiểm soát chặt chẽ người ra vào tránh lây lan chéo giữa các địa bàn. Cùng với đó. Ngày 16/8, Công an TP Hà Nội đã thành lập thêm 6 tổ công tác tuần tra, kiểm soát cơ động mạnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra ngẫu nhiên người phương tiện trên đường hoặc trong một tuyến phố, qua đó đánh giá hiệu quả các biện pháp về giãn cách xã hội để kịp thời tham mưu các biện pháp phù hợp…

Nguy cơ còn cao

Tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 20/8, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng khi thực hiện giãn cách xã hội, nhưng nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội vẫn rất cao. Vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận TP vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn TP.

Thực tế cũng cho thấy, TP liên tiếp ghi nhận những ca nhiễm mới trong cộng đồng tại các khu vực có mật độ dân cư đông, các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ thiết yếu đang hoạt động đan xen tại khu vực. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn lơi là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng đông người đi lại trên đường, tại các chợ, siêu thị… Tại các chốt của lực lượng chức năng những ngày qua, đã phát hiện không ít trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, xuất trình giấy đi đường nhưng cung đường bất hợp lý. Nghiêm trọng hơn, có một số đối tượng cố tình vi phạm và chống đối lực lượng đang thi hành nhiệm vụ... Nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu ý thức, xem thường pháp luật của một bộ phận người dân và đều bị xử lý nghiêm theo quy định. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức xét nghiệm, sàng lọc để chủ động phát hiện người nhiễm virus, nhưng TP vẫn luôn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn các ca mắc và ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng. Chính vì thế việc chặt chẽ, đồng bộ và thực hiện tốt các biện pháp đã đề ra, thậm chí phải nghiêm ngặt hơn nữa là rất cần thiết. Nếu không làm nghiêm, chúng ta sẽ lại rơi vào tình huống như một số tỉnh, TP thời gian qua dẫn đến virus lây lan mạnh.

Không chấp nhận sự lơi là

Nhận định về Công điện số 19/CĐ-UBND nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện giãn cách xã hội có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn và ý thức chấp hành của mọi người dân và tổ chức, DN. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước chính quyền TP và pháp luật trong trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. TP cũng siết chặt công tác quản lý phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích…nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, ngày cuối tuần.

Trong thời gian giãn cách xã hội, công tác an sinh xã hội được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Để tiếp tục đảm bảo việc cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, trong Công điện số 19, TP yêu cầu chính quyền các cấp, các ngành chủ động phương án tổ chức thực hiện để bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa; đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa. MTTQ TP sẽ tiếp tục là đầu mối chủ trì và điều phối các hoạt động an sinh xã hội; qua đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời những kiến nghị của người dân; giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội; chăm lo, chia sẻ những khó khăn, đặc biệt là đối với những người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đảm bảo không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau.

Ngày 21/8, UBND TP Hà Nội ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Việc tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6 giờ ngày 6/9/2021 trên phạm vi toàn TP; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, được dư luận người dân cho là giải pháp cần thiết tại thời điểm này để Hà Nội giữ thế chủ động một cách toàn diện trên tất cả các mặt trong phòng, chống dịch bệnh. Với đợt giãn cách thứ 3 này, TP yêu cầu người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch tại Chỉ thị số 17/CT-UBND. Kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội. TP xác định, đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch, mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm, cơ quan, DN… là một pháo đài chống dịch. Chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội.