Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tiếp tục triển khai nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu, tạo lập nguồn vốn hỗ trợ các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đây là chia sẻ của ông Phạm Văn Quyết - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội.

Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết.

Thưa ông, năm 2021 có thể nói là một năm đầy thách thức, khó khăn với người dân, DN. Để đảm bảo an sinh cho người dân, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, chi nhánh NHCSXH TP đã triển khai những chính sách hỗ trợ gì?

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, sinh kế của người dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Chi nhánh NHCSXH TP đã triển khai đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa thích ứng với tình hình mới; giải ngân kịp thời vốn tín dụng chính sách tới các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Qua đó, góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống, khắc phục khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH TP Hà Nội trong năm 2021 đạt 5.045 tỷ đồng, với 117.300 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn thông qua 16 chương trình tín dụng. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã giải ngân 3.946 tỷ đồng cho trên 79.000 lượt khách hàng được vay vốn, giải quyết việc làm cho trên 87.000 lao động, góp phần hoàn thành 54,4% kế hoạch tạo việc làm của TP trong năm 2021 (160.000 lao động).

Điểm nổi bật của chương trình này là bên cạnh nguồn vốn được bổ sung từ Trung ương, TP Hà Nội và UBND cấp huyện đã chuyển 1.247 tỷ đồng qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay; riêng UBND TP Hà Nội đã chuyển bổ sung 1.050 tỷ đồng trong đó dành riêng 500 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để tập trung ưu tiên cho vay người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.

Chi nhánh đã kịp thời giải ngân được 162 tỷ đồng cho 157 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 38.020 lượt người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ. Mặc dù đây là chương trình tín dụng mới và quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc song Chi nhánh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, sơ quan, tổ chức liên quan tham mưu UBND TP Hà Nội chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, triển khai kịp thời, giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp người sử dụng lao động trên địa bàn khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.

Song song với việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách phục vụ sinh kế, đời sống, sản xuất kinh doanh cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã triển khai thực hiện kịp thời việc giảm lãi suất cho vay theo Quyết định số 1990 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền là 22,8 tỷ đồng cho 963.835 lượt món vay trong tháng 10, 11 và 12/2021.

Nhiều công ty được vay vốn trả lương ngừng việc cho công nhân.
Nhiều công ty được vay vốn trả lương ngừng việc cho công nhân.

Sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Chương trình 08 của Thành ủy, ông có đánh giá như thế nào về hiệu quả của chính sách này?

Trước hết, phải khẳng định rằng Nghị quyết 68 của Chính phủ và Chương trình 08 của Thành ủy đều thể hiện rõ nét sự quan tâm kịp thời của Đảng, Chính phủ, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đến người dân, nhất là đảm bảo an sinh xã hội cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách, các DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trên tinh thần đó, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội vinh dự là một trong những cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện, đồng thời, cũng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong triển khai tín dụng chính sách để góp phần thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất Nghị quyết 68 của Chính phủ và Chương trình 08 của Thành ủy. Chi nhánh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện; phối hợp các Sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo triển khai từ khâu tuyên truyền, tập huấn đến phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách và tổ chức triển khai cho vay theo quy định.

Riêng đối với chương trình 08, với vai trò là thành viên trong Ban Chỉ đạo của TP, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã chủ động tham mưu gắn tín dụng chính sách là một trong những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài để triển khai thực hiện Chương trình, đồng thời, tham mưu tạo lập nguồn vốn tín dụng thực hiện cho giai đoạn 2021 - 2025 là 2.000 tỷ đồng để giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện nay dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, người dân, DN đang bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy, để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ DN phục hồi phát triển sản xuất, trong năm 2022 đơn vị sẽ triển khai những chương trình gì, thưa ông?

Năm 2022, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu tạo lập nguồn vốn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đặc biệt là nguồn vốn bố trí từ Ngân sách TP và các quận, huyện, thị xã để tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025, người mù, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách và người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của TP năm 2022.

Cùng với đó, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả gói tín dụng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022 - 2023 Chính phủ giao cho NHCSXH khi địa bàn Hà Nội được phân bổ vốn. Tiếp tục triển khai chính sách cho vay người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của chính phủ đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch theo đúng quy định.

Song song với đó, tăng trưởng dư nợ đi đôi với giữ vững và nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn vốn tín dụng chính sách xã hội, đồng thời, quan tâm gắn tín dụng chính sách với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.

Xin cảm ơn ông!