Số lượng hàng hóa tiêu hủy lần này gồm 2.745 kg thực phẩm chức năng, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, dầu gội đầu, sữa tắm…; 1.320 kg khí N20 (bóng cười); 800 kg hàng hóa là xe máy điện (không có ắc quy), bút camera, cục định vị, kính mắt camera, củ sạc camera, móc khóa ghi âm; 130kg rượu không rõ nguồn gốc; 525 kg xăng; 230 kg nồi cơm điện, bo mạch chủ máy tính, điều hòa…
Hàng hóa tiêu hủy là tang vật các vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ mà lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện bắt giữ trong năm 2021 và 2022. Riêng lô hàng nước hoa có giá trị lên tới khoảng 6 tỷ đồng, lô hàng điện thoại đã qua sử dụng có giá trị gần 1 tỷ đồng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Cụ thể đối tượng lợi dụng quy định Nghị định 119/2018/NĐ-CP về việc sử dụng hóa đơn điện tử để vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn.
Đặc biệt, hiện nay các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu hàng lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng. Hàng hóa được các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường Hà Nội đang diễn ra với những phương thức khác nhau. Thủ đoạn phổ biến là giả mạo về tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối sản phẩm.
Thông tin của Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho thấy, riêng trong tháng 2/2023 lực lượng chức năng TP Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện xử lý trên 1000 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Phát hiện xử lý 153 vụ hàng lậu, hàng cấm, 26 vụ hàng giả, 824 vụ gian lận thương mại xử lý phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 300 tỷ đồng, trong đó xử phạt hành chính 101 tỷ đồng, truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra hơn 200 tỷ đồng