Hà Nội tìm giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm học khi dịch bệnh phức tạp

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đến thời điểm hiện tại, khi hầu hết các trường ngoài công lập trên địa bàn TP đã hoàn thành chương trình năm học thông qua kiểm tra trực tuyến và tổng kết online thì ngược lại, phần lớn trường công lập được nghỉ hè khi nhiệm vụ năm học còn dang dở. Cùng công tác tuyển sinh đầu cấp, giải pháp để kết thúc năm học 2020 - 2021 cũng là vấn đề được các trường và phụ huynh quan tâm.

Giao quyền chủ động cho các đơn vị
Năm nay, công tác dạy- học của giáo viên, học sinh (HS) có nhiều xáo trộn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19. Đầu tiên là việc các trường tạm dừng đến lớp-chuyển sang học trực tuyến từ ngày 4/5. Sau gần 2 tuần học online nghiêm túc theo thời khóa biểu- khi các trường học gần hết chương trình, chuẩn bị ôn tập để kiểm tra học kì II sau khi cân nhắc các điều kiện cần thiết theo quy định của Thông tư 09 của Bộ GD&ĐT thì Hà Nội có quyết định cho HS nghỉ hè sớm 2 tuần (từ 15/5); chờ khi dịch ổn định, HS trở lại trường sẽ kiểm tra học kỳ, kết thúc năm học.
 Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình tổ chức thành công cho HS kiểm tra trực tuyến vào cuối tháng 5/2021
Gần 2 tháng nghỉ hè, nhiều nhà trường, phụ huynh đang sốt ruột không biết sẽ học tiếp thế nào thì ngày 5/7, Sở GD&ĐT có Tờ trình về việc cho HS đến trường trở lại để ôn tập, kiểm tra học kỳ 2, hoàn thành các nhiệm vụ năm học từ ngày 10-24/7. Mong muốn này chưa thành, dịch bệnh tại Hà Nội đã trở nên phức tạp hơn khi phát hiện nhiều ca, nhiều ổ dịch mới. Chiều 8/7, Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 6899/VP-KGVX với nội dung chưa đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT. Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở LĐTB&XH, các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ, căn cứ tình hình thực tế diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn TP, hướng dẫn của T.Ư, thống nhất đề xuất; có Tờ trình liên ngành báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
Ngày 9/7, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn số 2500/SGDĐT- GDPT gửi Trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông trực thuộc Sở; Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP hướng dẫn hoàn thành kế hoạch năm học 2020 – 2021 và công tác tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên tại công văn, các phương án về hoàn thành kế hoạch năm học là phương án mở, khá chung chung khi có những nội dung không hề mới như: Với các có trường đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu thì tổ chức kiểm tra trực tuyến; hoặc sẽ chờ khi đến trường trở lại thì kiểm tra, hoàn thành nhiệm vụ năm học… Trên cơ sở đó, các trường vẫn có tâm lý… chờ đợi, chưa có kế hoạch kiểm tra, chưa hoàn tất nhiệm vụ năm học.
Cần có hướng dẫn cụ thể hơn
Ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ cho biết: Triển khai công văn số 2500 của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ đã có buổi họp với hiệu trưởng các trường trên địa bàn và nêu phương án kết thúc năm học. Qua đó, thống nhất cấp THCS sẽ triển khai kiểm tra trực tuyến còn khối tiểu học chờ khi đi học trở lại sẽ thực hiện ôn tập và kiểm tra sau. Nguyên nhân là do cấp THCS đã chủ động trong việc sử dụng các phương tiện, máy móc còn với cấp tiểu học thì hầu hết chưa biết sử dụng thiết bị và vẫn cần trợ giúp của phụ huynh nên kết quả kiểm tra có thể sẽ không khách quan.
Cô Lê Thị Tượng, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sỹ Liên, huyện Chương Mỹ cho hay: Nhà trường đang xây dựng kế hoạch kiểm tra online để trình Phòng GD&ĐT huyện xin ý kiến. “Trường đã thực hiện kiểm tra trực tuyến với khối 9 đợt tháng 5 và được phụ huynh chuẩn bị rất chu đáo các phương tiện máy móc, đường truyền. Việc học online với HS đạt 100% nên việc kiểm tra học kỳ với các khối còn lại cũng không gây trở ngại. Trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp, việc linh hoạt trong tổ chức kiểm tra học kỳ và cố gắng chuẩn bị mọi điều kiện cho việc hoàn thành nhiệm vụ năm học chắc chắn sẽ được phụ huynh ủng hộ”- cô Tượng nói.
 Nếu phụ huynh hỗ trợ, đồng lòng trong chuẩn bị phương tiện, máy móc thì kiểm tra online là giải pháp khả thi
Mặc dù các trường đều đã tính toán các phương án để kết thúc năm học, trong đó có việc chuẩn bị ngân hàng đề, máy móc, đường truyền, sẵn sàng triển khai kiểm tra trực tuyến; song song đó là thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp; thậm chí đã lên kế hoạch cho năm học kế tiếp. Tuy nhiên, việc kiểm tra trực tuyến vẫn chưa được các trường thực hiện luôn và ngay mà vẫn chờ văn bản hướng dẫn của Sở, của phòng giáo dục. “Hiện kế hoạch là do các trường chủ động- nghĩa là có thể cho HS kiểm tra nếu có đủ điều kiện hoặc có thể chờ đến khi đi học trở lại sẽ ôn tập và cho kiểm tra. Vậy nên, trường chọn cách chờ đi học hoặc chờ Sở hướng dẫn cụ thể thì mới tiến hành….”, hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn cho biết.
“Nghỉ hè, nhiều HS về quê với ông bà; có nơi không đủ máy móc để kiểm tra. Hơn nữa, HS nghỉ học lâu, trước khi kiểm tra sẽ phải ôn tập vài buổi, vậy nên nói kiểm tra online thì rất đơn giản nhưng cũng không dễ để thực hiện cho kết quả tốt và đồng bộ trong thời điểm hiện tại”- phụ huynh Mai Quỳnh Anh, quận Hoàng Mai bày tỏ.
 Hầu hết các trường đều đáp ứng điều kiện để kiểm tra online
Được biết, tại một số đơn vị trên địa bàn TP, phòng GD&ĐT đã triển khai văn bản của Sở GD&ĐT gửi các trường và “chưa nhận được phản hồi hay ý kiến gì” vì đều có tâm lý chờ đi học trở lại sẽ kiểm tra hoặc chờ hướng dẫn, chỉ đạo rõ ràng từ cơ quan cấp trên.
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ cho rằng, thời điểm này các trường đang tuyển sinh trực tuyến. Nếu tình hình dịch vẫn kéo dài, HS không thể tới trường thì Hà Nội có thể tính phương án lấy điểm học kỳ I xét lên lớp, thi đua cho HS lớp 1 đến lớp 3; lấy điểm giữa học kỳ II đối với lớp 4, lớp 5 để tính điểm học kỳ II, kết thúc năm học. Việc đánh giá HS là đánh giá cả quá trình, cách lấy điểm học kỳ I, giữa học kỳ II để xét lên lớp như vậy vừa đảm bảo an toàn, chất lượng; vừa tránh áp lực cho các trường, HS và phụ huynh. “Tuy cách thức này không bằng việc HS được kiểm tra trực tiếp nhưng trong điều kiện dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nên chọn giải pháp tối ưu nhất”- vị hiệu trưởng này cho biết.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu một số cơ sở giáo dục, trường hợp bắt buộc phải kiểm tra trực tuyến do dịch bệnh, Sở GD&ĐT Hà Nội nêu phương án giao cho phòng GD&ĐT các quận, huyện; từ đó địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để tiến hành. Thực tế, phía các nhà trường đều sẵn dàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngân hàng đề thi; điều băn khoăn còn lại là điều kiện của HS có đảm bảo không. Nếu phụ huynh tạo điều kiện, đồng lòng phối hợp và quyết tâm thì việc tổ chức kiểm tra học kỳ 2 là không khó!