Diễn ra trong các ngày 4-5/10 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc (Hà Nội), Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (INWES-APNN) năm nay thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Với chủ đề "Vai trò của phụ nữ trong khoa học và công nghệ vì một tương lai bền vững, đây là lần thứ hai Hội nghị INWES-APNN được tổ chức tại Việt Nam, sau lần đầu vào năm 2018.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết Hội nghị INWES-APNN 2024 không chỉ là diễn đàn chia sẻ kiến thức, mà còn là cầu nối để các nước cùng xây dựng một tương lai bền vững hơn, nơi phụ nữ được trao quyền và đóng góp hết mình vào sự phát triển của cộng đồng.
GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị INWES-APNN 2024. Ảnh: Việt Anh
Theo đó, Hội nghị tập trung vào các nội dung như: báo cáo hoạt động của các quốc gia, bàn thảo chiến lược hoạt động của INWES-APNN cho các năm tiếp theo, thông qua Chương trình hành động và họp Ban lãnh đạo các mạng lưới quốc tế và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của INWES.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (TW HLHPNVN) Hà Thị Nga cho biết, INWES-APNN 2024 sẽ tập trung thảo luận và trao đổi 2 vấn đề đang được quan tâm đặc biệt là "Giới và STEM", "Sức khỏe và môi trường".
Chủ tịch INWES , TS. Sarah Peers (giữa) và TS. Juana T. Tape, Chủ tịch INWES-APNN (ngoài cùng bên phải) tham dự Hội nghị INWES-APNN 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Anh
Cũng theo bà Hà Thị Nga, dù còn đối mặt với định kiến giới trong hành trình theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, phụ nữ Việt Nam vẫn khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Đội ngũ các nhà khoa học nữ đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, với những công trình nghiên cứu đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, đất nước. Nhiều nhà khoa học, nữ giáo sư trẻ được vinh danh bởi các tổ chức quốc tế như UNESCO.
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Hội nghị INWES-APNN 2024. Ảnh: Việt Anh
Hội nghị lần này không chỉ là cơ hội để Việt Nam lắng nghe và học hỏi từ các nước trong khu vực mà còn là dịp để các nhà khoa học nữ, từ mọi quốc gia, có thể kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác nhằm tạo ra những sáng kiến đột phá thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Vinh danh những tấm gương truyền cảm hứng
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu ra đổi mới sáng tạo, khi tăng từ vị trí 40 năm 2023 lên 36 ở thời điểm hiện tại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị NWES-APNN 2024. Ảnh: Việt Anh
Những thành tựu quan trọng trên có sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học và kỹ sư nữ với những công trình, sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao, những sáng chế có giá trị ứng dụng hữu ích để giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước, của ngành, lĩnh vực.
"Sự có mặt của các chị đã lấp dần những khoảng trống về giới trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Chúng ta tự hào vì trong số gần 6.000 hội viên của Hội Nữ trí thức Việt Nam, nhiều chị được vinh danh xứng đáng tại các giải thưởng khoa học uy tín trong nước và quốc tế, như Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Vifotex, Giải thưởng Kovalevskaia, L’Oreal-UNESCO và nhiều giải quốc tế khác", bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ.
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên (áo dài tím), Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam cùng các đại biểu tại Hội nghị NWES-APNN 2024. Ảnh: Việt Anh
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng vinh danh 2 hội viên tiêu biểu của Hội Nữ trí thức Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đó là PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, và Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS. AHLĐ Huỳnh Thị Phương Liên.
Ngoài ra, TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện công tác tại Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gene Vinmec, cũng được biểu dương khi trở thành nhà khoa học nữ đầu tiên của Việt Nam được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu năm 2024.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân cùng các đại biểu cắt băng khai trương Triển lãm sản phẩm khoa học và công nghệ của các nhà khoa học nữ tại Hội nghị NWES-APNN 2024. Ảnh: Việt Anh
Đây là những tấm gương truyền cảm hứng cho thế hệ nhà khoa học nữ trẻ kế tiếp vượt lên định kiến giới, khắc phục những khó khăn trong việc phải cân bằng giữa trách nhiệm người vợ, người mẹ trong gia đình với việc theo đuổi đam mê sáng tạo, cống hiến, chinh phục những đỉnh cao mới trong lĩnh vực STEM, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES) ra đời năm 2002 dưới sự bảo trợ của UNESCO, trong khi đó tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương gồm 15 nước/vùng lãnh thổ gồm: Australia, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal,Philippines, Sri Lanka, Indonesia, Singapore, Myanmar, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.